A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

MẮT CÁ VÀ CHAI CHÂN (Calluses and Corns)

  1. ĐẠI CƯƠNG
Mắt cá và chai chân là những tổn thương tăng sừng được hình thành do chịu áp lực kéo dài hoặc ma sát lặp đi lặp lại tại một vị trí đặc biệt. Thương tổn thường gặp ở bàn chân, tuy nhiên có thể gặp ở bất kỳ chỗ nào chịu lực quá mức. Vị trí đặc trưng có thể gặp ở người lao động, nghệ sĩ chơi nhạc cụ, vận  động viên, và được xem như dấu ấn nghề nghiệp của họ. Hiện tượng tăng sừng là đáp ứng sinh lý của da nhằm tạo ra một hàng rào bảo vệ chống lại các chấn thương xuống mô mềm bên dưới. Thương tổn sinh lý này sẽ trở thành bệnh lý khi nó gây đau hoặc gây giới hạn chức năng vận động của người bệnh.
Nguyên nhân hình thành mắt cá và chai chân có cả yếu tố nội sinh và ngoại sinh. Yếu tố nội sinh bao gồm những điểm nhô ra của xương hoặc những bất thường về cơ học của bàn chân, có thể di truyền hoặc mắc phải. Những yếu tố ngoại sinh bao gồm việc mang giày chật hoặc hư. Trong trường hợp không có bất thường về giải phẫu hoặc sử dụng đồ không phù hợp, việc hoạt động quá mức, ví dụ các vận động viên, hay công nhân, cũng là nguyên nhân thường gặp.
  1. BIỂU HIỆN LÂM SÀNG
Mắt cá và chai chân biểu hiện lâm sàng hơi khác nhau và thường xuất hiện ở các vị trí khác nhau. Mắt cá thường có kích thước nhỏ hơn, giới hạn rõ và có nhân ở giữa. phần nhân này thường là một nút sừng vùi trong lớp bì, và là tác nhân gây đau. Mắt cá có thể phân loại mô học là loại cứng và loại mềm. Nhiều tác giả lại lựa chọn phân loại theo cấu trúc giải phẫu lòng bàn chân. Mắt cá cứng phổ biến hơn, điển hình xuất hiện ở phần lưng bên của ngón chân út hoặc mặt lưng của khớp liên đốt của các ngón còn lại. Mắt cá mềm là tổn thương dạng xốp, rất đau, nằm vùng kẽ ngón, thường ngón 4 và 5. Sự phá vỡ hàng rào thượng bì của thương tổn này sẽ dẫn đến tình trạng bội nhiễm nấm hoặc vi trùng, cùng với sự hình thành sâu bên dưới. thương tổn có dạng “nụ hôn” khi có 2 thương tổn ở vị trí đối diện nhau trong cùng một kẽ ngón.
Vết chai thường có kích thước lớn hơn, giới hạn không rõ. Không có nhân ở giữa, và da dày lên khá đồng đều. nó có thể đau hoặc không đau tùy thuộc vị trí và độ nặng của thương tổn. vị trí thường gặp là ở các vùng chịu lực như vùng gót chân hoặc phần mô mềm phía trước của bàn chân. Vết chai cũng có thể gặp ở vùng đặt của nhạc cụ hoặc tại nơi ma sát lặp đi lặp lại của vận động viên khi luyện tập.
Chẩn đoán phân biệt hay gặp của mắt cá và chai chân là mụn cóc. Đặc điểm chính để phân biệt là nếp vân da vẫn quan sát được trong thương tổn chai chân, còn trong thương tổn mụn cóc thì bị xóa mờ. Mặc dù các nếp vân da có thể không quan sát rõ ở mắt cá, tuy nhiên khi cắt ngang phía dưới vùng nhân ở giữa sẽ thấy xuất hiện các nếp vân da. Mặt khác khi cắt ngang mắt cá hoặc vết chai chân thường không gây chảy máu, trong khi đó, nếu cắt ngang mụn cóc sẽ thấy các chấm đen và đỏ ở giữa mụn cóc (huyết khối mao mạch) và có hiện tượng chảy máu điểm li ti do bản chất tăng sinh mạch máu của mụn cóc. Mụn cóc sẽ đau khi nếu ta ấn xung quanh, trong khi đó mắt cá sẽ rất đau khi ấn trực tiếp lên thương tổn.
  1. CHẨN ĐOÁN
     Việc đánh giá thương tổn tăng sừng cần dựa vào bệnh sử và thăm khám lâm sàng. Nên khai thác tiền sử về nghề nghiệp, hoạt động thể thao hoặc các thói quen liên quan tới tình trạng tăng áp lực quá mức lên vị trí liên quan. Một số tiền sử bệnh lý như đái tháo đường hay viêm đa khớp dạng thấp cũng đánh giá thêm và điều trị. Cần hoàn tất về một đánh giá đầy đủ về đặc điểm giải phẫu tại vị trí tổn thương, có thể cần chẩn đoán hình ảnh đối với các bất thường về xương bên dưới. nếu nghi ngờ có bệnh lý thần kinh ngoại biên, cần đánh giá thần kinh cảm giác và vận động một cách đầy đủ. Dáng đi cũng được cần quan sát kĩ để phát hiện các tình trạng lê bàn chân hoặc bước chân không cân.
  1. ĐIỀU TRỊ
    Điều trị mắt cá và chai chân bao gồm việc loại bỏ thương tổn và giảm thiểu áp lực lên vị trí thương tổn. Đối với bệnh nhân đái tháo đường, việc nhân thức và chăm sóc tốt mắt cá và chai chân sẽ giúp phòng ngừa loét trong tương lai.
  1. Loại bỏ tổn thương
  1. Cắt bỏ thương tổn. Có thể dùng curret, dao mổ (số 15), dao cạo cắt ngang loại bỏ tổn thương. Đối với mắt cá, thường cần gây tê tại chỗ để loại bỏ được phần nhân của thương tổn.
  2. Điều trị duy trì. Cần hướng dẫn người bệnh thực hiện các biện pháp điều trị duy trì tại nhà để ngăn ngừa tái phát.
a, Ngâm chân nước ấm. Ngâm thương tổn trong nước ấm khoảng 20 phút, sau đó mài nhẹ nhàng thương tổn bằng đá bọt hoặc thanh giữa móng tay.
b, Thuốc thoa tiêu sừng. Có thể sử dụng dung dịch tiêu sừng loãng (như acid salicylic 10-15%). Cần cẩn thận nếu sử dụng nồng độ cao hơn vì có thể gây tổn thương da lành xung quanh. Ngoài ra băng dính Salycilic 40%, kem dưỡng ẩm có nồng độ ure (20-40%) có tác dụng tiêu sừng.
  1. Tiêm steroid nội tổn thương. Mặc dù chưa được đồng thuận rộng rãi, việc tiêm steroid nội thương tổn được ghi nhận làm phẳng thương tổn.
  1. Điều chỉnh những nguyên nhân cơ học
  1. Chỉnh hình
a, Sản phẩm đệm. Len lông cừu, miếng đệm silicone, miếng đệm xương gót bàn chân, đế lót giày có thể giúp làm giảm áp lực ở vị trí thương tổn.
b, Miếng đệm kẽ ngón chân. Được sử dụng cho mắt cá kẽ ngón chân nhằm làm giảm áp lực lên ngón chân bên cạnh.
  1. Giày dép. Tùy thuộc vào vị trí thương tổn, nên lựa chọn giày phù hợp như gót thấp, mũi giày rộng, mềm, có đệm bàn chân, có không gian rộng rãi để cử động.
  2. Phẫu thuật. Có thể thực hiện trong những trường hợp kháng trị, như cắt bỏ điểm lồi của xương hay các phẫu thuật điều chỉnh dị dạng bàn chân.
  3. Chất làm đầy. Phương thức này còn gây nhiều tranh cãi, kết quả đạt được khác nhau khi tiêm một số chất làm đầy vào bên dưới tổn thương.
  4. (Hình ảnh nguồn internet)
     

Tác giả: BAN BIÊN TẬP
Nguồn:Trung tâm da liễu Hải Phòng Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 29 trong 6 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin tức