A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

OCHRONOSIS NGOẠI SINH (Exogenous ochronosis)

  1. Đại cương
  • Từ “ochronosis” xuất phát từ tiếng Hy lạp, ochre có nghĩa là rối loạn sắc tố màu vàng nâu. Ochronosis ngoại sinh (EO) là bệnh lý rối loạn sắc tố da mắc phải, không có tổn thương nội tạng. Nguyên nhân gây bệnh hay gặp nhất là Hydroquinon, phenol, resorcinol, acid picric, thủy ngân hoặc uống thuốc kháng sốt rét (quinin).
  • Tỉ lệ xuất hiện EO sau dùng hydroquinon rất thấp, khoảng 1/100.000. Thường sau khi sử dụng Hydroquinon 2% từ 6 tháng đến 3 năm hoặc lâu hơn mới xuất hiện bệnh. Gần đây có các báo cáo sử dụng hydroquinon 2% sau 7-8 năm có thể xuất hiện bệnh.
  • Cơ chế bệnh sinh chưa rõ ràng. Giả thiết được chấp nhận nhiều nhất đến nay được đưa ra bởi Penneys, cho rắng sự tăng sắc tố do hydroquinon dẫn đến sự cạnh tranh cục bộ với enzym homogentisic oxidase, gây nên sự tích tụ cục bộ acid homogentisic và các sản phẩm chuyển hóa của nó. Các sản phẩm này là Polymer hóa tạo thành sắc tố không đồng nhất ở nhú trung bì.
  1. Lâm sàng
  • Chủ yếu ở tuýp da III, IV của Fitzpatrick, sau khi sử dụng chất làm trắng kéo dài điều trị rám má.
  • Tổn thương cơ bản: sẩn màu xanh đen hoặc xanh xám điển hình ở gò má, mặt trong của má, vùng thái dương, cổ, lưng và mặt duỗi chi dưới, dạng chấm và dạng trứng cá muối (caviar).
  • Thường trải qua 3 giai đoạn (theo Dogliotte và leibowitz năm 1979):
     + I: thay đổi sắc tố nhẹ, dát đỏ, khó phân biệt với rám má.
     + II: tăng sắc tố dạng Milia, có teo da nhẹ kèm sẩn dạng caviar.
     + III: nốt – sẩn.
  1. Cận lâm sàng
  • Dermoscopy: có thể quan sát cấu trúc vô định hình hoặc dạng cầu/vòng/cung màu đen/nâu xám/xanh xám quanh nang lông, một số ít nang lông mở.
  • Giải phẫu bệnh tiêu chuẩn vàng chẩn đoán xác định bệnh ochronosis ngoại sinh, chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý rối loạn sắc tố khác.
    + Thượng bì: bình thường.
    + Trung bì: lắng đọng sắc tố vàng nâu, có dạng quả chuối ở nhú trung bì. Các tế bào viêm xâm nhập khi bệnh ở giai đoạn 3, chủ yếu là tương bào, mô bào và tế bào khổng lồ đa nhân.
  • Confocal microscopy: hiện nay được coi là kỹ thuật không xâm lấn giúp thay thế giải phẫu bệnh, thấy được hình ảnh chất lắng đọng hình quả chuối ở trung bì.
  1. Chẩn đoán
  • Lâm sàng nghi ngờ:
  + Tiền sử dùng chất làm trắng kéo dài, đặc biệt là hydroquinon.
  + Tăng sắc tố vùng mặt không đáp ứng với điều trị hoặc tái phát sau khi đáp ứng với điều trị ban đầu.
  + Rối loạn sắc tố dạng chấm, đốm kèm giãn mạch.
  • Chẩn đoán xác định: sinh thiết nhuộm HE có hình ảnh lắng đọng sắc tố màu vàng nâu dạng quả chuối ở trung bì.
  1. Chẩn đoán phân biệt
  • Rám má
  • Rối loạn sắc tố của Riel
  • Bớt Ota
  • Bớt Hori
  • Tăng sắc tố sau viêm
  • Tăng sắc tố do thuốc (amidaron, minocyclin)
  1. Điều trị
  • Gặp nhiều khó khăn, không có giải pháp điều trị đặc hiệu.
  • Ngừng các thuốc nghi ngờ:
+ Hydroquinon và các dẫn xuất của nó như arbutin, deoxyarbutin
+ Resorcinol
+ Phenol
+ Acid picric
+ Thuốc kháng sốt rét (quinin)
  • Tránh nắng, sử dụng kem chống nắng. Thuốc bôi có thể sử dụng như tretinoin, glycolic acid bôi hoặc lột bằng glycolic acid cho hiệu quả hạn chế.
  • Một vài nghiên cứu cho thấy lợi ích khi điều trị ochronosis ngoại sinh bằng laser CO2, Q-switch ruby, Q- switch alexandrite, Q-switch Nd:YAG, IPL, và laser Er:YAG. Theo nghiên cứu của Bellew SG, laser QS – alexandrite (755nm) có hiệu quả trong điều trị ochronosis ngoại sinh mà không để lại tác dụng phụ như sẹo hoặc thay đổi cấu trúc da. Sử dụng mật độ năng lượng trung bình (6 - 8 J/cm2), spot side khoảng 3mm, số lần điều trị 4 - 6 lần, khoảng cách giữa các lần 2 - 4 tháng cho hiệu quả làm trắng sáng rõ rệt các tổn thương sắc tố.
Ảnh bệnh ochronosis ngoại sinh (nguồn internet)
 

 

 

 


Tác giả: BAN BIÊN TẬP
Nguồn:Trung tâm da liễu Hải Phòng Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin tức