A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

MÓNG CHỌC THỊT (Ingrown nails)

 
(Bệnh móng chọc thịt – nguồn ảnh Internet)
Móng chọc thịt là hiện tượng góc trước của bờ bên bản móng chọc và xé rách tổ chức phần mềm ở cuốn móng bên. Gây viêm, nhiễm trùng ở cuốn móng bên.
Móng chọc thịt hay xảy ra ở ngón chân cái và hiếm khi ở ngón tay.
Móng chọc thịt thường gây sưng đau tại chỗ, đau tăng khi bệnh nhân đi giầy dép chật hoặc bờ bên bản móng liên tục phát triển chọc vào phần mềm ở cuốn móng bên.
Đôi khi có biến chứng nặng hơn ở bệnh nhân đái tháo đường, hoặc viêm tắc mạch.
NGUYÊN NHÂN
Có nhiều nguyên nhân gây móng chọc thịt trong đó: cắt tỉa móng không hợp lý và đi giày chật là hai nguyên nhân chính gây móng chọc thịt.
+ Cắt tỉa móng không thích hợp: Khi cắt tỉa bờ bên bản móng sâu vào bên trong, tổ chức phần mềm bị ép vào thay thế chỗ của bản móng đã cắt, bản móng phát triển thẳng ra phía ngoài xuyên qua tổ chức phần mềm gây móng chọc thịt.
+ Đi giầy chật: Đi giầy cao gót, mũi nhọn, mũi giầy ép cuốn móng bên vào bờ bên bản móng, tất quá chật, bản móng phát triển xuyên vào cuốn móng bên gây móng chọc thịt.
+ Chấn thương móng chân, bao gồm cộm ngón chân, làm rơi vật nặng vào chân hoặc đá bóng liên tục.
+ Vệ sinh chân không đúng cách, chẳng hạn như không giữ chân sạch hoặc khô.
+ Phụ nữ tăng cân sau sinh do phần mềm ở cuốn móng bên phát triển chùm lên bản móng. Bản móng phát triển chọc vào tổ chức phần mềm ở cuốn móng bên.
+ Một số bệnh lý của móng: nấm móng, loạn dưỡng móng, dày móng, móng bị cong….
TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG
Giai đoạn I (viêm nhẹ)
Dấu hiệu sớm nhất của móng chọc thịt là đau, sưng nhẹ và tăng tiết mồ hôi của vùng liên quan. Bản móng đã gây chấn thương cho biểu mô của cuốn móng bên, hiện tượng này liên tiếp xảy ra gây nên phù nề cuốn móng bên, phù nề này càng trầm trọng hơn do áp lực ở giữa bản móng và xương ngón. Có nhiều mức độ sưng nề và đỏ có thể xảy ra, nó phụ thuộc vào thời gian của tổn thương.
Giai đoạn II ( Viêm vừa )
Đặc điểm của giai đoạn này là đau nhạy cảm, tăng tiết mồ hôi và tăng sinh tổ chức hạt ở cuốn móng bên thông qua tổ chức mới phá huỷ hoặc loét và trùm lên bản móng, cuốn móng bên phù nề, tiết dịch và mủ. Có mùi thối được tạo ra bởi các vi khuẩn gram dương xâm chiếm tại chỗ
Giai đoạn III ( viêm nặng )
Các triệu chứng giai đoạn này giống như giai đoạn II, nhưng về mặt giải phẫu lại có sự khác biệt quan trọng. Tổ chức hạt phủ lên bản móng làm cho bản móng không thể nâng lên khỏi rãnh móng.
ĐIỀU TRỊ
1. Điều trị tại nhà
  • Ngâm chân trong nước ấm. Làm điều này trong 15 đến 20 phút ba đến bốn lần một ngày. Ngâm mình làm giảm sưng tấy và giảm đau.
  • Đặt bông hoặc chỉ nha khoa dưới móng chân của bạn. Sau mỗi lần ngâm, đặt những mẩu bông tươi hoặc chỉ nha khoa đã được tẩm sáp vào bên dưới mép mọc ngược. Điều này sẽ giúp móng mọc cao hơn mép da.
  • Bôi kem kháng sinh theo chỉ dẫn của bác sỹ. Bôi thuốc mỡ kháng sinh lên vùng đau và băng ngón chân lại.
  • Chọn giày dép hợp lý. Cân nhắc đi giày hoặc dép hở mũi cho đến khi ngón chân của bạn cảm thấy tốt hơn.
  • Uống thuốc giảm đau.
  •  

2. Có thể chỉ định phẫu thuật hoặc laser đối với giai đoạn 2 và giai đoạn 3.
PHÒNG BỆNH
- Cắt móng chân của bạn thẳng ngang và đảm bảo rằng các cạnh không cong vào trong.
- Tránh cắt móng chân quá ngắn.
- Mang giày, tất và quần tất vừa vặn.
- Kiểm tra bàn chân của bạn. Nếu bạn bị tiểu đường, hãy kiểm tra bàn chân hàng ngày để tìm các dấu hiệu của móng chọc thịt hoặc các vấn đề về chân khác.
- Nếu móng chân của bạn cong hoặc dày bất thường, có thể cần phải phẫu thuật để ngăn móng mọc ngược.
 
 
Tài liệu tham khảo: Bệnh học da liễu - GS. TS. Trần Hậu Khang – Nhà xuất bản Y học

Tác giả: BAN BIÊN TẬP
Nguồn:Trung tâm da liễu Hải Phòng Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin tức