A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ HỒNG BAN NÚT

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ HỒNG BAN NÚT

 HỒNG BAN NÚT LÀ GÌ?

Hồng ban nút (EN) là một bệnh lý da được đặc trưng bởi các nốt cục tròn đỏ và đau thường xuất hiện ở cẳng chân, xung quanh mắt cá chân và ít gặp hơn là ở đùi và cẳng tay. Những nốt cục này lành dần để lại hình ảnh giống như vết bầm tím. EN phổ biến hơn ở nữ giới và thường gặp ở độ tuổi từ 20 đến 30 tuổi.

(Hồng ban nút – nguồn internet)

NGUYÊN NHÂN GÂY HỒNG BAN NÚT?

Ở hầu hết bệnh nhân, không có nguyên nhân hoặc yếu tố khởi phát nào được xác định. Trong một số trường hợp, yếu tố khởi phát có thể được xác định. EN đôi khi là một dấu hiệu của bệnh nền cần được xác định.

CÁC NGUYÊN NHÂN PHỔ BIẾN CỦA HỒNG BAN NÚT LÀ GÌ?

Các nguyên nhân phổ biến nhất của EN là:

  • Nhiễm trùng hầu họng gây ra do vi khuẩn Streptococci.
  • Thuốc: một số loại thuốc được biết là tác nhân gây ra EN bao gồm thuốc tránh thai và một số loại thuốc kháng sinh.
  • Sarcoidosis: đây là một bệnh lý viêm hiếm gặp có thể ảnh hưởng đến bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể, nhưng phổ biến nhất là gây tổn thương phổi, hạch bạch huyết và da. Sarcoidosis là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của EN ở người lớn.
  • Bệnh lý ruột viêm: bệnh nhân bị viêm loét đại tràng hay bệnh Crohn đôi khi xuất hiện EN.
  • Mang thai đôi khi có thể kích hoạt EN.

HỒNG BAN NÚT CÓ DI TRUYỀN?

Không, EN không phải là một bệnh lý di truyền.

CÁC TRIỆU CHỨNG CỦA HỒNG BAN NÚT LÀ GÌ?

Bệnh nhân mắc EN cảm thấy mệt mỏi với sốt nhẹ trong một thời gian ngắn trước hoặc xuất hiện cùng lúc với các nốt cục trên da. Bệnh nhân cũng có thể bị đau và sưng khớp, chủ yếu là ở đầu gối, mắt cá chân và cổ tay. Đau chân và sưng mắt cá chân có thể kéo dài trong vài tuần sau khi các nốt cục xuất hiện.

HỒNG BAN NÚT TRÔNG NHƯ THẾ NÀO?

EN bắt đầu là những nốt cục đỏ đau với giới hạn không rõ. Các tổn thương này có kích thước từ 2-6cm nhô cao trên da, bề mặt trơn láng, sờ chắc và bóp đau. Các tổn thương này thường xuất hiện nhiều nhất ở cẳng chân và xung quanh mắt cá chân. Khi nốt cục bắt đầu mờ dần, nó trông giống như một vết bầm tím với chuyển màu xanh và sau đó là màu vàng. Các nốt cục thường biến mất trong khoảng thời gian từ  3-6 tuần mà không để lại sẹo.

HỒNG BAN NÚT CHẨN ĐOÁN NHƯ THẾ NÀO?

Chẩn đoán hồng ban nút chủ yếu dựa vào lâm sàng với việc nhận ra các nốt cục tròn đỏ trên da ở các vị trí điển hình. Đôi khi, bác sĩ cần phải sinh thiết da để xác định chẩn đoán. Điều này liên quan đến việc lấy một mẫu da nhỏ dưới gây tê tại chỗ. Sau đó mẫu da này được xử lý tại phòng xét nghiệm và kiểm tra dưới kính hiển vi. Các xét nghiệm khác thường là xét nghiệm máu và chụp X-quang ngực có thể được thực hiện để xác định nguyên nhân gây ra EN.

HỒNG BAN NÚT CÓ THỂ CHỮA KHỎI ĐƯỢC KHÔNG?

Hầu hết bệnh nhân mắc EN đều hồi phục hoàn toàn trong vòng vài tuần hoặc vài tháng. Tuy nhiên ở một số bệnh nhân, các nốt cục mới của EN có thể tiếp tục xuất hiện trong vòng vài tuần và tình trạng bệnh tiếp tục diễn tiến trong 6 tháng và đôi khi lâu hơn.

HỒNG BAN NÚT ĐƯỢC ĐIỀU TRỊ NHƯ THẾ NÀO?

Bác sĩ sẽ tìm kiếm các yếu tố khởi phát EN. Nếu nguyên nhân nhiễm trùng được xác định, kháng sinh được sử dụng để điều trị bệnh. Nếu một loại thuốc cụ thể bị nghi ngờ gây bệnh thì phải ngưng sử dụng thuốc này ngay.  

Đối với hầu hết những người bị EN, các nốt cục có xu hướng tự lành. Một số bệnh nhân cần được điều trị để làm giảm các triệu chứng của bệnh như: nghỉ ngơi tại giường, nâng cao chân và uống thuốc kháng viêm giảm đau. Đối với EN kéo dài, một số phương pháp điều trị tích cực hơn có thể được sử dụng như corticosteroid hệ thống.

TỰ CHĂM SÓC (TÔI CÓ THỂ LÀM GÌ?)

Bạn không thể làm gì nhiều để ảnh hưởng đến quá trình bệnh của EN ngoài việc nâng cao chân khi nghỉ ngơi và hạn chế đi, đứng và chạy nhảy.

Hãy đến gặp bác sĩ khi có bất kỳ vấn đề sức khỏe mà không tự ý xử lý  để tránh các biến chứng không mong muốn./


Tác giả: BAN BIÊN TẬP
Nguồn:Trung tâm da liễu Hải Phòng Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin tức