A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

NHỮNG THẮC MẮC THƯỜNG GẶP KHI SỬ DỤNG DỊCH VỤ LASER CO2 ĐỂ ĐIỀU TRỊ CÁC BỆNH LÝ DA NHƯ NỐT RUỒI, MỤN CÓC, NEVUS, U LÀNH DA...

Các biến chứng sau laser CO2 có tỷ lệ thấp và còn tùy thuộc vào việc chăm sóc sau laser.

 1. CÁC TRIỆU CHỨNG CÓ THỂ GẶP SAU KHI ĐIỀU TRỊ LASER CO2

  • Đau
  • Nhiễm trùng (do vết thương không được chăm sóc tốt, bị nhiễm bẩn)
  • Tăng/giảm sắc tố (vùng da laser CO2 trở nên đậm/nhạt màu hơn vùng da xung quanh)
  • Sẹo xấu, sẹo lồi

Các biến chứng sau laser CO2 có tỷ lệ thấp và còn tùy thuộc vào việc chăm sóc sau laser.

2. ĐIỀU TRỊ BẰNG LASER CO2 CÓ ĐAU KHÔNG?

  Laser CO2 là một thiết bị công nghệ cao thường được sử dụng để điều trị hiệu quả các tình trạng bệnh lý da như nốt ruồi, mụn cóc, nevus, u lành da... Thương tổn được xử lý bằng đúng kích thước của nó, ít ảnh hưởng đến vùng da lành nên thời gian phục hồi nhanh. Dưới tác dụng của thuốc tê, cơn đau khi điều trị laser là rất ít và có thể chịu được.

3. ĐIỀU TRỊ BẰNG LASER CO2 CÓ ĐỂ LẠI SẸO KHÔNG?

  Hình thành sẹo là một phần trong quá trình lành thương. Tùy theo cơ địa mỗi người, quá trình lành thương có thể diễn ra khác nhau. Để giúp vết thương phục hồi tốt nhất, tránh sẹo phát triển, bạn cần tuân thủ theo hướng dẫn sau điều trị laser của bác sĩ.

4. TÔI KHÔNG MUỐN ĐIỀU TRỊ BẰNG LASER CO2, CÓ PHƯƠNG PHÁP NÀO KHÁC KHÔNG?

  Một số phương pháp khác có thể thay thế laser CO2 như chấm thuốc bào mòn, xịt ni-tơ lỏng, phẫu thuật…

 Tùy theo bệnh lý, số lượng, kích thước của thương tổn mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp phù hợp. Nếu bạn quá lo lắng, hãy trao đổi trực tiếp với bác sĩ của mình.

5. CẦN LÀM GÌ TRƯỚC VÀ SAU ĐIỀU TRỊ LASER?

TRƯỚC KHI LASER:

  • Nên thực hiện trong điều kiện cơ thể khỏe mạnh nhất có thể.
  • Ăn uống đầy đủ, không để cơ thể bị đói.
  • Kiểm tra vị trí thoa tê/ đánh dấu của nhân viên y tế có đúng vị trí thương tổn của mình chưa.

SAU KHI LASER

  • Uống thuốc/ Thoa thuốc đúng theo toa của bác sĩ (nếu có).
  • Tránh để vết thương tiếp xúc với môi trường ô nhiễm xung quanh (bụi, các chất bẩn…).
  • Tránh ánh nắng mặt trời (che chắn bằng vải dày, màu sậm hoặc thoa kem chống nắng).
  • Tránh sử dụng thức ăn bị dị ứng theo cơ địa của mình.
  • Tránh dùng mỹ phẩm hoặc chất tẩy rửa mạnh vào vùng laser.
  • Tránh tập luyện, vận động mạnh làm co dãn vết thương quá mức sẽ ảnh hưởng đến việc tạo sẹo.
  • Tắm, gội, rửa mặt bình thường với dung dịch dịu nhẹ. Sau đó lau khô và bôi thuốc theo toa.
  • Thời gian hình thành vảy trung bình từ 3-7 ngày (một số cơ địa đặc biệt/ hoặc chăm sóc không tốt, thời gian này có thể kéo dài hơn). Không tự làm tróc vảy vết thương, để vảy bong tự nhiên là tốt nhất.

6. SAU KHI ĐIỀU TRỊ LASER, TÔI CÓ PHẢI KIÊNG LOẠI THỨC ĂN NÀO KHÔNG?

Hiện tại chưa có chứng cứ khoa học về mối liên quan giữa thực phẩm với sự hình thành sẹo lồi/sẹo xấu. Vì vậy bạn có thể ăn uống bình thường, và chỉ kiêng khi có ý kiến của bác sĩ.


Tổng số điểm của bài viết là: 60 trong 12 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin tức