A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

HỒNG BAN CỐ ĐỊNH NHIỄM SẮC (Fixed drug eruption)

  1. ĐẠI CƯƠNG
  • Hồng ban cố định nhiễm sắc (HBCĐNS) là một trong những biểu hiện trên da của dị ứng thuốc. Đặc trưng hồng ban (dát đỏ), cố định (tái phát tại đúng nơi bị đầu tiên), nhiễm sắc (lành để lại dát tăng sắc tố).
  1. NGUYÊN NHÂN
    Các thuốc gây HBCĐNS bao gồm:
  • Kháng sinh (trimethoprim-sulfamethoxazol, tetracyclin, penicillin, quinolon).
  • NSAIDs.
  • Paracetamol.
  • Barbiturat.
  • Chống sốt rét.
  • Có vài trường hợp báo cáo tổn thương HBCĐNS gây ra do kháng histamin: levocetirizin.
  1. LÂM SÀNG
    1. Triệu chứng
  • Bệnh xuất hiện trong khoảng 30 phút đến 16 giờ sau khi dùng thuốc.
  • Tổn thương cơ bản là dát đỏ tươi hoặc sẫm màu, ranh giới rõ, có thể hơi phù nề và có bọng nước, thường xuất hiện ở vị trí sinh dục, hậu môn. Tổn thương sẽ tái phát ở chính vị trí đó nếu tiếp tục dùng loại thuốc gây dị ứng. Khi tổn thương lành để lại dát tăng sắc tố.
  • Cơ năng: ngứa hoặc rát bỏng, một số có sốt.
3.2. Các biến thể lâm sàng
Đôi khi HBCĐNS có những đặc điểm không điển hình có thể giống với các bệnh da khác như hồng ban đa dạng, SJS/TEN…
  • HBCĐNS giống với hồng ban đa dạng: có thể có những tổn thương dạng bia bắn tuy nhiên chỉ có 2 vòng đồng tâm, trung tâm thẫm màu hơn.
  • HBCĐNS lan tỏa: có nhiều tổn thương và lan tỏa khắp thân mình tay chân, không có tổn thương vùng niêm mạc và bán niêm mạc.
  • HBCĐNS thể bọng nước lan tỏa: đây là thể vô cùng hiếm, đặc trưng là các mảng dát màu đỏ nâu lan tỏa, có bọng nước nông. Có thể có triệu chứng toàn thân như sốt, mệt mỏi đau khớp. Dễ nhầm với SJS/TEN nhưng trong HBCĐNS thể bọng nước lan tỏa ít có tổn thương niêm mạc hoặc tổn thương niêm mạc nhẹ, ngoài ra sau khi dừng thuốc thì lâm sàng cải thiện nhanh trong vòng 7 – 14 ngày.
HBCĐNS không sắc tố: thường ở bệnh nhân dùng pseudoephedrine, biều hiện là một hay nhiều mảng đỏ ranh giới rõ kích thước lớn, mất đi mà không để lại sắc tố sau viêm.
  • Các biến thể khác:
+ HBCĐNS phân bố dạng dải tương tự như Herpes zoster
+ HBCĐNS giống á vảy nến mảng lớn.
  1. CHẨN ĐOÁN
  • Dựa vào triệu chứng lâm sàng, tiền sử dùng thuốc, có thể kết hợp thêm sinh thiết, test kích thích.
  • Lâm sàng: dựa vào tổn thương điển hình.
  • Mô bệnh học: có đặc điểm thoái hóa lỏng màng đáy, nhiễm sắc tố, tế bào dị sừng ở phần trên thượng bì, phần trung bì xâm nhập viêm chủ yếu là các tế bào lympho.
  • Test kích thích: nếu tiền sử dùng thuốc không rõ ràng hoặc dùng nhiều loại thuốc.
+ Kích thích toàn thân: dùng được loại thuốc đường uống. Chống chỉ định với HBCĐNS lan tỏa.
+ Kích thích tại chỗ: test áp.
  1. ĐIỀU TRỊ
  • Ngừng thuốc gây dị ứng.
  • Điều trị triệu chứng nhằm mục đích giảm ngứa:
+ Với những bệnh nhân tổn thương ít: cocticoid loại trung bình/mạnh x 2 lần/ngày trong 7-10 ngày và kháng histamin.
+ Với những bệnh nhân tổn thương lan tỏa, có triệu chứng toàn thân: cocticoid toàn thân liều trung bình ngắn ngày (prednison 0,5 – 1 mg/kg/ngày trong 3 – 5 ngày).
Hồng ban cố định nhiễm sắc (ảnh nguồn internet)
 

 

 
 

Tác giả: BAN BIÊN TẬP
Nguồn:Trung tâm da liễu Hải Phòng Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin tức