A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

CÁCH CHĂM SÓC TRẺ BỊ BỆNH VIÊM DA CƠ ĐỊA

 
Bệnh viêm da cơ địa trẻ em chủ yếu liên quan đến yếu tố gia đình và yếu tố dị ứng, trẻ thường có nguy cơ mắc bệnh này nhiều hơn các bệnh dị ứng khác (như hen phế quản hoặc viêm mũi dị ứng). Gần 50% số bệnh nhân có thể ổn định ở tuổi thiếu niên, nhưng cũng có nhiều trường hợp bệnh tồn tại trong nhiều năm cho đến tuổi trưởng thành.
Viêm da cơ địa trẻ em thường biểu hiện bằng da khô, phát ban đỏ khu vực da trên mặt, trên da đầu, cánh tay, chân hoặc vùng sau tai. Ở trẻ mới biết đi và trẻ lớn, ban thường xuất hiện ở vùng da quanh đầu gối, cổ tay, khuỷu tay và vùng mắt cá chân. Trong một số trường hợp đặc biệt, ban có thể xuất hiện ở toàn bộ cơ thể trẻ. Ban thường rất ngứa, thậm chí khiến trẻ mất ngủ vào ban đêm.
 Yếu tố nào làm bệnh nặng lên?
  • Nóng: Quần áo dày, chất vải nóng, tắm nước nóng, lò sưởi,...
  • Khô: Sử dụng xà phòng, điều hòa, thời tiết khô, nóng...
  • Ngứa: Nhãn mác trên quần áo, lông động vật, cỏ, cát, bụi,...
  • Nhiễm virus hoặc một số bệnh nhiễm khuẩn.
  • Yếu tố khác: Hóa chất, môi trường, yếu tố gây dị ứng,...
Cách chăm sóc da trẻ bị viêm da cơ địa
  • Cải thiện triệu chứng bệnh: giảm ngứa, giảm viêm.
  • Dưỡng ẩm cho da, tái tạo nước cho da.
  • Bảo vệ da.
  • Phòng và điều trị nhiễm trùng.
* Kiểm soát ngứa cho trẻ:
Ngứa sẽ khiến trẻ gãi nhiều và làm cho bệnh trở nên nặng hơn, thậm chí gây nhiễm trùng. Để giảm ngứa cho trẻ có thể sử dụng một số cách sau:
  •  Sử dụng băng ướt hoặc đắp ẩm cho vùng da tổn thương.
  • Khi trẻ ngứa và gãi nhiều có thể đánh lạc hướng của trẻ như chơi trò chơi, xem TV,…
  • Giữ tay của trẻ sạch sẽ và cắt móng tay thường xuyên.
  •  Sử dụng thuốc cho trẻ theo hướng dẫn của bác sỹ chuyên khoa
* Giữ ẩm cho da
  • Nên sử dụng kem dưỡng ẩm ít gây kích ứng da thường xuyên khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu của bệnh và ngay cả khi đã hết bệnh.
  • Kem dưỡng da nên bôi toàn thân chứ không chỉ  vùng da tổn thương.  
  • Số lần sử dụng kem dưỡng da tùy thuộc vào mức độ nặng của bệnh, có thể 1 lần, 2 lần hoặc nhiều hơn. Nên bôi kem sau khi làm ẩm da (tắm, băng ướt,…).
  • Nếu có chỉ định bôi thuốc của bác sỹ thì bôi thuốc trước rồi thoa một lớp kem dưỡng ẩm phủ lên trên.
  • Chú ý khi lấy kem để bôi nên dùng dụng cụ sạch lấy ra một lượng vừa đủ để bôi tránh làm bẩn lượng kem chưa dùng đến.
* Cách băng ướt cho trẻ
Sử dụng phương pháp băng ướt nếu bệnh VDCĐ không được kiểm soát trong vòng 24-48 giờ sau khi bắt đầu điều trị bằng cortisone. Băng ướt rất hiệu quả và thường chỉ cần từ ba đến năm ngày. Có thể pha dung dịch làm tăng cường độ ẩm cho da theo chỉ định của bác sỹ để việc đắp ẩm cho da hiệu quả hơn. Có thể thực hiện băng ướt cho trẻ vài lần mỗi ngày tùy thuộc vào mức độ nặng của da. Thực hiện băng ướt theo các bước sau:
  • Bước 1: Làm ướt khăn (hoặc băng dạng ống hoặc quần áo) trong chậu nước ấm có pha dung dịch làm ẩm cho da (VD: dầu tắm Hamilton bath oil).
  • Bước 2: Bôi cortisone hoặc các loại thuốc theo chỉ định của bác sỹ vào những vùng da khô, sẩn đỏ.
  • Bước 3: Bôi kem dưỡng ẩm toàn thân
  • Bước 4: Băng ướt hoặc đắp ẩm tùy theo vị trí tổn thương da:
Vùng mặt: làm ướt khăm mềm với nước mát sau đó áp vào mặt vùng da khô và sẩn đỏ trong 5-10  phút.
Vùng đầu: làm ướt một chiếc khăn tam giác hoặc mũ cotton mềm với nước mát rồi trùm lên đầu trẻ trong vòng 5-10 phút.
Tay, chân: dùng băng dạng ống mềm (giống như một chiếc tất được hở 2 đầu) hoặc khăn mềm được làm ướt bằng nước mát sau đó đeo (quấn) vào vùng da khô, sẩn đỏ ở tay, chân. Sau đó đeo một lớp băng dạng ống khô (hoặc quấn khăn khô) phía bên ngoài. Khi nào băng (khăn) khô thì tháo ra, bôi kem dưỡng ẩm và mặc đồ lại cho trẻ như bình thường.
Lưng, ngực, bụng: dùng một chiếc áo cotton mềm được làm ướt với nước sau đó mặc lên người cho trẻ và mặc một lớp áo khô phía bên ngoài cho trẻ. Khi nào áo khô (thường khoảng 1- 2 giờ) thì cởi ra, bôi kem dưỡng ẩm và mặc đồ lại cho trẻ.

* Cách tắm cho trẻ
Nước quá nóng sẽ làm da trẻ khô và ngứa nhiều hơn, do đó không nên tắm cho trẻ với nước quá nóng, chỉ nên dùng nước ấm (không quá 30 độ C hoặc mát hơn phụ thuộc thời tiết). Tắm cho trẻ cần tiến hành hằng ngày, nên sử dụng sữa tắm thay thế cho xà phòng (bởi xà phòng làm da khô hơn). Nên cho trẻ ngâm mình trong chậu hoặc bồn tắm có pha sữa tắm trong thời gian 15 - 30 phút để tăng cường cấp ẩm cho da. Thời điểm tắm cho trẻ là 2 giờ trước khi ngủ nhằm giúp trẻ ngủ ngon hơn.
Một số trường hợp trẻ bị VDCĐ bội nhiễm có thể cho trẻ tắm bằng nước muối sinh lý 0,9% hoặc theo chỉ định của bác sỹ chuyên khoa.

 
* Một số lưu ý đặc biệt khi chăm sóc trẻ:
- Một số trẻ bị viêm da quanh miệng thường liên quan đến thức ăn hoặc nước bọt cần được vệ sinh sạch vùng da quanh miệng bằng khăn mềm và ướt sau đó bôi một lớp kem dưỡng ẩm.
- Nên sử dụng quần áo cho trẻ với chất liệu cotton mềm mại và loại bỏ nhãn mác tránh cọ xát vào da.
-  Không nên sử dụng chăn từ chất liệu len hoặc nhung nên sử dụng một tấm chăn bông hoặc cotton thay thế để tránh làm cho da trẻ quá nóng.
- Tránh các chất dễ gây kích ứng cho da (chất tẩy rửa, xà phòng, cát bụi,…) và các yếu tố làm trẻ bị nặng lên.
- Nên tạo môi trường sống thoáng mát cho trẻ cả ngày lẫn đêm (hạn chế dùng lò sưởi, quạt sưởi,…)
- Nên cho trẻ đi khám ngay nếu trẻ không cải thiện sau 2 ngày điều trị hoặc có biểu hiện nhiễm trùng (vùng da tổn thương bị nứt, chảy nước,…)

Tác giả: BAN BIÊN TẬP
Nguồn:Trung tâm da liễu Hải Phòng Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin tức