Viêm da tã lót
Viêm da do tã lót (hăm tã), là bệnh rất thường gặp do sự kích ứng da ở vùng dùng tã của trẻ sơ sinh và nhũ nhi.
Tã giữ ẩm và làm cho vùng da tiếp xúc với tã luôn bị nóng và ẩm ướt, điều này có thể làm tăng sự phát triển của vi khuẩn và nấm. Nước tiểu và phân cũng có thể gây kích ứng da, gây ban đỏ ở vùng này.
Nguyên nhân gây ra viêm da tã lót
- Sự kích ứng da do tiếp xúc với nước tiểu và phân là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra chứng hăm tã.
- Nấm Candida albicans
- Nhiễm khuẩn có thể gây ra chứng hăm tã và có thể cần phải điều trị bằng thuốc kháng sinh.
- Sự dị ứng hoặc nhạy cảm đối với các loại kem bôi da, thuốc mỡ, khan ướt, xà phòng, hoặc tã lót cũng có thể gây ra chứng hăm tã.
Triệu chứng
- Viêm da do chà xát: Biểu hiện đỏ da nhẹ ở những vùng bị chà xát bở tã lót, gồm mặt trong đùi, mông, bụng, da vùng sinh dục.
- Viêm da do kích ứng: đỏ da thường ở vùng nếp lằn mông, mông, quanh hậu môn.
- Viêm da do nấm candida: biểu hiện dát, đám đỏ da với các tổn thương vệ tinh nhỏ như đầu đinh ghim.
- Kèm theo đó, trẻ có thế có biểu hiện ngứa ngáy, khó chịu, khó ngủ, chậm tăng cân
Trẻ có biểu hiện ban đỏ vùng tã lót cần được khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để chẩn đoán bệnh và chẩn đoán phân biệt với một số bệnh khác có biểu hiện tương tự như: viêm da thiếu kẽm, viêm da tiếp xúc dị ứng, bệnh ghẻ,…
Chẩn đoán
Trẻ cũng cần được thực hiện một số xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây bệnh như nhuộm soi tìm vi khuẩn, soi tươi tìm nấm. Các xét nghiệm này không đau, không xâm lấn và có kết quả nhanh chóng. Việc xác định nguyên nhân gây bệnh là rất quan trọng để lựa chọn phương pháp điều trị.
Điều trị
Việc điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh
- Do tiếp xúc với chất gây kích ứng: Dùng kem bảo vệ chứa kẽm oxid hoặc petrolatum (vaselin). Bôi nhiều lần trong ngày, khi thay tã rửa nhẹ nhàng phân bám vào lớp kem trước khi bôi lớp kem tiếp theo.
- Nấm: Thuốc kháng nấm bôi tại chỗ chứa Nystatin, clotrimazole, hoặc miconazole. Các trẻ viêm da do nấm cần được bác sĩ tư vấn, kê đơn và hướng dẫn cách chăm sóc, dự phòng tái phát
- Vi Khuẩn: Kháng sinh tại chỗ, kháng sinh toàn than nếu bội nhiễm nặng. Kem mupirocin 2% có hiệu quả tuy nhiên cần thăm khám bác sĩ.
Đề phòng
- Cho da vùng tã lót tiếp xúc với không khí càng nhiều càng tốt. Thay tã lót thường xuyên mỗi 1-3 giờ hoặc thay ngay khi bị bẩn và ít nhất 1 lần mỗi đêm. Khi thay tã nhẹ nhàng làm khô vùng da dùng tã và để cho vùng da này được thông thoáng trong một thời gian ngắn trước khi mặc tã lại giúp cho mông của trẻ khô hoàn toàn.
- Hạn chế sử dụng khăn ướt hoặc hoàn toàn không sử dụng, vì khăn ướt có thể gây kích ứng do sự ma sát trên da. Nên sử dụng loại khăn hoặc giấy không có mùi hương. Vệ sinh cho trẻ bằng nước ấm trong bồn tắm/bồn rửa hoặc dùng bông tẩm dầu khoáng để làm sạch phân ở mông của trẻ.
- Lựa chọn loại tã phù hợp với con quý vị. Tã dùng một lần hút ẩm tốt hơn và phù hợp hơn khi trẻ cần dùng kem bôi.
- Không nên sử dụng bột chống hăm vì nó kết hợp với mồ hôi và nước tiểu có thể tạo thành hỗn hợp gây kích ứng da hoặc làm vi khuẩn và nấm phát triển./.
Ban đỏ, khó chịu ở vùng mặc tã.
Viêm da tã lót do nấm candida
(Ảnh nguồn Internet)
Nguồn:Trung tâm da liễu Hải Phòng Copy link