A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

SỪNG DA (Cutanneus horn)

  1. Đại cương
  • Sừng da (cutanneous horn) là bệnh có tổn thương hình nón xuất hiện trên bề mặt da, được cấu tạo từ chất sừng (keratin). Sừng da là bệnh hiếm gặp, có thể xuất hiện ở người lớn tuổi, nhất là trong độ tuổi 60-79. Tỉ lệ nam nữ như nhau, tuy nhiên nguy cơ ác tính cao hơn nam.
  • Đa số tổn thương sừng da là lành tính, chỉ khoảng dưới 20% phát triển thành ác tính. Nguyên nhân gây bệnh cho đến nay vẫn chưa rõ ràng, nhưng nhiều tác giả cho rằng nó có liên quan đến ánh sáng mặt trời và HPV.
  1. Lâm sàng
  • Sừng da chủ yếu bao gồm keratin và giống với sừng của động vật nhưng không có xương ở trung tâm. Tổn thương thường cứng và có màu nâu vàng, có thể có các nếp gấp theo chiều dọc hay chiều ngang da xung quanh bình thường. Đáy của sừng da có thể bằng phẳng, nhô ra hoặc giống như miệng núi lửa. Có thể có hiện tượng viêm do tái diễn.
  • Sừng da thường xuất hiện đơn độc. Chúng có thể gặp bất kỳ nơi nào trên cơ thể, nhưng phổ biến hơn trên các khu vực tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, đặc biệt là đầu, tai, lưng, bàn tay, cẳng tay. Chúng có thể xuất hiện ở các vị trí không tiếp xúc ánh nắng mặt trời như dương vật, niêm mạc môi dưới, và tiền đình mũi
  • Sừng da có thể phát triển với nhiều kích thước khác nhau, từ vài millimet đến vài centimet và có thể nhiều hình dạng khác nhau, bao gồm cả hình trụ, hình nón, thẳng, cong và nhọn.
  • Các sừng da có kích thước lớn hoặc khổng lồ thường xuất hiện trên nền tổn thương ác tính chiếm tỉ lệ 30% trường hợp.
  • Năm 1941, Montgomery đã phân loại sừng da dựa trên nguyên nhân, lâm sàng và các đặc điểm mô học, bao gồm:
+ Sừng da phát triển từ u nang biểu bì.
+ Sừng phát triển từ niêm mạc
+ Sừng phát triển từ tổn thương hạt cơm.
+ Sừng dạng nhú phát triển từ biểu mô sừng hóa
+ Sừng phát triển trên nền da bình thường hoặc dày sừng.
  1. Mô bệnh học
Hình ảnh mô bệnh học nhuộm HE của sừng da thường khá điển hình, có thể bao gồm các đặc điểm sau:
  • Thượng bì quá sản mạnh.
  • Lớp sừng chắc lại, dày lên, tạo thành các cột sừng.
  • Có thể bao gồm các điểm á sừng.
  • Có thể thấy hình ảnh loạn sản sừng.
  1. Điều trị
  • Lựa chọn hàng đầu: cắt bỏ tổn thương, làm xét nghiệm mô bệnh học để quyết định hướng sử lý tiếp theo.
+ Nếu tổn thương là lành tính, chỉ cần theo dõi chặt chẽ.
+ Nếu tổn thương là tiền ung thư hoặc ác tính, cần cắt rộng tổn thương và theo dõi sau đó.
  • Lựa chọn thay thế: Laser CO2, laser Nd:YAG…

 
Hình ảnh Sừng da ở tai (nguồn internet)

Tác giả: BAN BIÊN TẬP
Nguồn:Trung tâm da liễu Hải Phòng Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin tức