A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

CÁC XÉT NGHIỆM CHẨN ĐOÁN BỆNH GIUN ĐŨA CHÓ/MÈO

  1. Bệnh giun đũa chó/mèo là gì?

Bệnh giun đũa chó mèo (Toxocariasis) do tác nhân gây bệnh là Toxocara canis hay Toxocara cati, một loài giun tròn thường được gọi là giun đũa của chó, mèo.

Bất kì ai cũng có thể nhiễm giun đũa chó/mèo, trẻ em và người nuôi chó hoặc mèo có nguy cơ bị nhiễm hơn so với người không nuôi. Ấu trùng giun đũa chó/mèo khi lạc chỗ nhiễm qua người sẽ di chuyển nhiều nơi gây rối loạn ở các cơ quan nội tạng khác nhau và có những biểu hiện lâm sàng, đặc biệt ở da thì gây nổi dát đỏ, mày đay, ngứa.

 

 

 

 

 

 2. Các xét nghiệm chẩn đoán bệnh ấu trùng giun đũa chó/mèo

Xét nghiệm máu:

+ Xét nghiệm tổng phân tích máu: Bạch cầu ái toan tăng > 10% tổng số lượng bạch cầu.

+ Xét nghiệm sinh hóa máu:  Xét nghiệm kháng thể IgE toàn phần tăng. 

Xét nghiệm miễm dịch huyết thanh

Đây là xét nghiệm được sử dụng phổ biến và rộng rãi nhất để chẩn đoán sàng lọc bệnh nhiễm giun đũa chó/mèo Toxocara spp. Bộ kit ELISA sử dụng kháng nguyên ngoại tiết TES (Toxocara excretory-secretory antigen) để tìm kháng thể loại IgG của ấu trùng trong cơ thể người. Độ nhạy: 96.92%, độ đặc hiệu: 98.63%. Kết quả có thể dương tính chéo với các trường hợp nhiễm giun, sán khác (giun đũa, giun móc, giun lươn, giun chỉ hệ bạch huyết, sán lá gan lớn, sán dây). 

Sự hiện diện của kháng thể chống Toxocara cũng không nói lên tình trạng đang mắc hay đã mắc bệnh vì các kháng thể chống Toxocara có thể tồn tại đến hơn 2,8 năm với kỹ thuật ELISA và đến hơn 5 năm với kỹ thuật Western-Blot.

 

 

 

Xét nghiệm sinh học phân tử PCR trong mô hay dịch cơ thể 

Các xét nghiệm sinh học phân tử xác định chỉ điểm di truyền trong internal transcribed spacers (ITS-1 và ITS-2) của hệ gen nhân RNA hoặc hệ gen ty thể có thể hỗ trợ chẩn đoán xác định đặc hiệu giun đũa chó/mèo. Tuy nhiên, đây là xét nghiệm không phổ biến, chủ yếu dùng trong nghiên cứu.

Xét nghiệm sinh thiết mô để tìm ấu trùng trong mô, cơ quan

Là phương pháp xâm lấn nên ít khi được sử dụng trong thực hành lâm sàng.

Các xét nghiệm khác

Chụp X-quang, CT-scan, MRI, chụp mạch có chất màu fluorescein để phát hiện các ổ ấu trùng ký sinh trong các bộ phận trên cơ thể.

Siêu âm mắt, chụp CT-scan mắt để phát hiện ổ ấu trùng trong mắt.

 

 

 

3. Các yếu tố ảnh hưởng đến xét nghiệm ấu trùng giun đũa chó/mèo

Bệnh nhân nhiễm loại ký sinh trùng khác có thể gây nhiễm chéo hoặc dương tính giả cho xét nghiệm.

Sinh thiết mô/cơ quan không đúng vị trí có ấu trùng.

4. Biện pháp phòng chống bệnh ấu trùng giun đũa chó/mèo

Tuyên truyền, nâng cao ý thức vệ sinh cá nhân và cộng đồng, đặc biệt là các chủ nuôi chó, mèo để có thể kiểm soát tốt sự lây lan.

Hàng tuần dọn dẹp sạch sẽ nơi chó, mèo nằm.

Phân chó, mèo phải được chôn lấp hay bỏ vào túi và vứt bỏ vào thùng rác.

Không cho trẻ chơi đùa nơi có chó, mèo thải phân.

Rửa tay với xà phòng sau khi chơi đùa với chó, mèo, sau khi nghịch đất cát và trước khi ăn uống.

Định kỳ tẩy giun cho chó, mèo.

 


Tác giả: BAN BIÊN TẬP
Nguồn:Trung tâm da liễu Hải Phòng Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin tức