A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

MỘT SỐ CÁCH ĐỂ KIỂM SOÁT BỆNH MÀY ĐAY

Mày đay là một bệnh lý gây ra nhiều phiền toái cho bệnh nhân, làm người bệnh ngứa khó chịu và bệnh hay tái phát. Cho đến nay, có nhiều dạng bệnh mày đay như mày đay do lạnh, mày đay do cholin……nguyên nhân gây bệnh chưa rõ ràng, dẫn đến nhiều trở ngại cho bác sĩ và bệnh nhân trong quá trình điều trị.
Mày đay mạn tính là tình trạng bệnh diễn ra trên 6 tuần kể từ khi khởi phát bệnh. Nguyên nhân của mày đay mạn tính vẫn chưa được biết đầy đủ, rõ ràng do đó để kiểm soát mày đay mạn tính hiện nay bao gồm tránh các tác nhân kích thích và điều trị triệu chứng. 
 
Nguồn ảnh: Internet
 
1.   Tránh các tác nhân kích thích 
Người bệnh cần chú ý quan sát để có thể nhận ra và cố gắng tránh các tác nhân kích thích đặc hiệu gây ra hoặc làm nặng thêm triệu chứng bệnh mày đay của mình. Các yếu tố này có thể không phải là nguyên nhân, nhưng có thể kích thích làm xuất hiện hoăc nặng thêm triệu chứng mày đay mạn tính như:  
  • Các tác nhân vật lý: cào gãi, chà xát; mặc quần áo chật, bó sát, đeo thắt lưng chặt; tắm nước quá nóng hoặc quá lạnh. Môi trường nóng, lạnh đột ngột, gió lạnh, độ ẩm quá cao; ánh sáng mặt trời. Ngoài ra còn có những yếu tố khác như thói quen hay mặc đồ lông, len, dạ, nhà có nuôi chó, mèo…, phấn hoa, bụi nhà, bụi gỗ, bụi vải….
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như aspirin, ibuprofen có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng ở nhiều bệnh nhân. Riêng thuốc Paracetamol không làm nặng thêm mày đay mạn tính, vì vậy có thể dùng thuốc này để điều trị đau và hạ sốt trên những bệnh nhân mắc bệnh mày đay.
  • Một số thực phẩm: thực phẩm cay, nhiều gia vị, rượu và thực phẩm, phụ gia thực phẩm chứa chất gây dị ứng hoặc nhiều histamine như thịt gà, hải sản... Nếu triệu chứng của người bệnh xuất hiện hoặc trở nên nặng hơn khi ăn một số loại thực phẩm, hãy cố gắng tránh những thực phẩm đó.
  • Nhiễm trùng, bệnh viêm mạn tính: Một số nghiên cứu cho thấy mỗi liên quan giữa bệnh nhiễm trùng như nhiễm Helicobacter pylori, viêm gan A, viêm gan C, nhiễm khuẩn vùng mũi họng, ký sinh trùng đường ruột; bệnh viêm mạn tính như viêm dạ dày, viêm thực quản trào ngược, hoặc viêm ống mật, túi mật với mày đay mạn tính. Mặc dù các bằng chứng về mối liên quan giữa bệnh nhiễm trùng, viêm mạn này với mày đay mạn tính còn ít, nhưng các bệnh này nên được điều trị nếu đã được chẩn đoán xác định.  
  • Căng thẳng, stress, thiếu ngủ: triệu chứng của bệnh có thể xuất hiện hoặc khó kiểm soát trong giai đoạn người bệnh căng thẳng hoặc có thời gian ngủ ít. 
  •  Nhận biết và cố gắng tránh các yếu tố kích thích hoặc kiểm soát chúng dưới ngưỡng kích thích rất quan trọng trong kiểm soát mày đay mạn tính. Tuy nhiên cũng cần lưu ý là trong nhiều trường hợp việc tránh các tác nhân kích thích có thể giúp giảm triệu chứng, nhưng có thể không đủ để kiểm soát bệnh và có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống nếu phải tránh quá nhiều các hoạt động. 
2.   Tuân thủ điều trị  
Do sự hoạt hóa và khử hạt của tế bào mast đóng vai trò trung tâm trong cơ chế bệnh sinh, có nhiều loại thuốc điều trị triệu chứng khác nhau trong mày đay mạn tính nhưng cơ bản đích tác dụng vẫn tập trung vào tế bào mast:  
  • Ngăn chặn tác dụng của các hóa chất trung gian do tế bào mast giải phóng như các thuốc kháng histamin H1 cạnh tranh với histamin giải phóng bởi tế bào mast trên thụ thể H1. Một số thuốc kháng histamin H1 thế hệ 1 như Chlopheniramin, thế hệ 2 như Cetirizin, Loratadin…
  • Ngăn chặn sự hoạt hóa tế bào mast như omalizumab, cyclosporin  do đó người bệnh cần tuân thủ điều trị thuốc kháng histamine theo chỉ định của bác sĩ để kiểm soát mày đay mạn tính có hiệu quả. Dùng thuốc không đều hoặc dùng khi có biểu hiện bệnh có thể làm giảm hiệu quả kiểm soát bệnh của thuốc. 
  • Việc điều trị khỏi hoàn toàn bệnh mày đay có thể khó, tuy nhiên chúng ta có thể kiểm soát được các triệu chứng và làm giảm ảnh hưởng của bệnh đến cuộc sống thường ngày cho người bệnh.
 
Nguồn ảnh: Internet
 
Để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân thành phố Hải Phòng cũng như các tỉnh lân cận, Trung tâm Da liễu Hải Phòng khám bệnh vào các ngày trong tuần từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần và thứ 7, sáng chủ nhật. Để biết thêm thông tin chi tiết về lịch làm việc, thời gian làm việc của Trung tâm Da liễu xin mời truy cập vào địa chỉ http://trungtamdalieuhaiphong.vn/ hoặc vào fanpage Trung tâm Da liễu Hải Phòng
 
 
 

Tác giả: BAN BIÊN TẬP
Nguồn:Trung tâm da liễu Hải Phòng Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 39 trong 8 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin tức