A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

CALCIPOTRIOL BÔI ĐIỀU TRỊ MỤN CÓC Ở DA

Mụn cóc ở da là bệnh lý tăng sinh thượng bì lành tính thường gặp, gây ra bởi vi rút Human papillomavirus (HPV). Trên lâm sàng, mụn cóc ở da có các dạng như: mụn cóc thông thường, mụn cóc phẳng, mụn cóc ở lòng bàn chân. Xấp xỉ 75% mụn cóc sẽ tự khỏi trong vòng 2 năm, dù vậy bệnh gây ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ hay đau cho người bệnh. Bên cạnh đó, mụn cóc ở lòng bàn tay, lòng bàn chân có xu hướng kém đáp ứng với điều trị hơn các dạng lâm sàng khác.
Các phương pháp điều trị mụn cóc thường gặp như đốt điện, áp lạnh, laser… tuy nhiên các phương pháp này thường tốn kém, có thể cần thực hiện nhiều lần và có nguy cơ tạo sẹo, rối loạn sắc tố da sau điều trị.
Trong những năm gần đây, các phương pháp miễn dịch trong tổn thương đã ra đời với quan điểm về tăng đáp ứng điều hòa miễn dịch thông qua tế bào tại tổn thương. Các hoạt chất tiêm trong tổn thương mụn cóc thường gặp là kháng nguyên từ các tác nhân đặc biệt như vắc xin sởi - thủy đâu - rubella, dẫn xuất protein tinh khiết từ lao, interferons, Candida hay vitamin D3. Tác dụng phụ thường gặp nhất khi thực hiện là phù nề tại chỗ tiêm.
Tiêm trong tổn thương Vitamin D3 được ghi nhận là an toàn và hiệu quả trên mụn cóc, tuy nhiên rất ít nghiên cứu chứng minh hiệu quả của bôi dẫn xuất vitamin D trên mụn cóc ở da.
Vitamin D3 có vai trò tăng tốc độ trưởng thành của tế bào thượng bì, giảm chu trình biệt hóa tế bào, giảm sản xuất các cytokine (IL-1a, IL-6). Đồng thời, Vitamin D3 cũng tăng hoạt động các thụ thể Toll – like của đại thực bào, kích thích tạo các peptide kháng khuẩn tại chỗ tiêm.
Một nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, có đối chứng, mù đơn trên người đánh giá trên 56 bệnh nhân nhằm đánh giá hiệu quả và an toàn của calcipotriol trong điều trị mụn cóc đã được tiến hành. Đối tượng tham gia nghiên cứu được chia làm 2 nhóm: 1 nhóm được bôi mỡ calcipotriol 0,05% 2 lần/ ngày tại tổn thương mụn cóc với độ dày đồng nhất là 1mm và 1 nhóm chứng với thoa vaselin tại tổn thương. Sau 2 tháng, nếu tổn thương không đáp ứng hoàn toàn thì bệnh nhân được tiếp tục bôi thêm 2 tháng nữa. Sau 4 tháng, nghiên cứu ghi nhận tỉ lệ đáp ứng hoàn toàn của tổn thương ở từng nhóm và sự khác biệt về kích thước, số lượng tổn thương ở tháng thứ 1,2,4. Các tác dụng phụ như hồng ban, ngứa, cảm giác nóng rát, tróc vảy cũng được ghi nhận.
Kết quả nghiên cứu: số lượng, kích thước trung bình ở thời điểm trước nghiên cứu không có sự khác biệt. Có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về số lượng, kích thước giữa nhóm bôi calcipotriol so với nhóm chứng ở thời điểm tháng thứ 1, 2, 4. Đáp ứng hoàn toàn của tổn thương sau 4 tháng ở nhóm bôi calcipotriol cao hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm chứng (85,7% và 16%, p<0,001). Tác dụng phụ không có sự khác biệt có ý nghĩa giữa 2 nhóm (p = 0,352)
Từ kết quả nghiên cứu trên cho thấy bôi calcipotriol hiệu quả và an toàn trên bệnh nhân có tổn thương mụn cóc ở da. Tuy nhiên cần có các thử nghiệm ngẫu nhiên, mù đôi, có nhóm chứng lớn hơn để xác định các kết quả trên.
Hình ảnh bệnh nhân có tổn thương mụn cóc ở lòng bàn chân: (a) trước (b) sau điều trị với bôi mỡ calcipotriol 0,05%, (c) trước (d) sau tham gia nhóm chứng với thuốc bôi vaseline
 

 
 

Tác giả: BAN BIÊN TẬP
Nguồn:Trung tâm da liễu Hải Phòng Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin tức