A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Viêm da đa hình thái bùng phát ở phụ nữ mang thai

Viêm da đa hình thái bùng phát ở phụ nữ mang thai (PEP), còn gọi là sẩn và mảng sẩn ngứa khi mang thai (PUPPP), là một rối loạn viêm da lành tính, tự giới hạn, thường gặp ở phụ nữ có thai trong vài tuần cuối thai kỳ hoặc ngay sau khi sinh.
Dịch tễ học – PEP tương đối phổ biến, tỷ lệ khoảng 1/160 – 300 trường hợp mang thai.
Sinh bệnh học – Bệnh sinh PEP chưa được biết rõ. Độ căng của da bụng có thể liên quan; PEP thường gặp hơn ở những phụ nữ có da bụng căng quá mức, nhất là ở phụ nữ mang đa thai.
Một số giả thuyết cho rằng căng da kéo dài gây tổn thương mô liên kết, dẫn đến việc tiếp xúc với các kháng nguyên ở da kích thích phản ứng viêm. Gỉa thuyết khác cho rằng PEP là kết quả của phản ứng miễn dịch đối với các kháng nguyên bào thai đang lưu hành. Ví dụ, một nghiên cứu đã chứng minh DNA của bào thai giới tính nam trong các tổn thương da của mẹ. Tuy nhiên, giả thuyết này vẫn chưa được xác nhận, mặc dù một số nghiên cứu đã báo cáo rằng tỷ lệ mang thai nam có ưu thế hơn ở phụ nữ mắc PEP.
Biểu hiện lâm sàng – PEP thường khởi phát vào cuối tam cá nguyệt thứ ba ( trung bình 35 tuần) nhưng có thể phát triển sau khi sinh, một số trường hợp hiếm gặp khởi phát trong tam cá nguyệt thứ nhất và thứ hai.
PEP thường biểu hiện dưới dạng các nốt ban đỏ, rất ngứa ở các vết rạn da. Các vết rạn da bụng là vị trí khởi phát phổ biến nhất và có thể là vị trí duy nhất, sau đó lan ra tứ chi, ngực, lưng và liên kết lại với nhau tạo thành các mảng mày đay. Mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân thường không có tổn thương. Quầng trắng thường bao quanh các sẩn ban đỏ ở những bệnh nhân da trắng. Khoảng 1/2 bệnh nhân phát triển thêm các tổn thương đa hình thái như: tổn thương bia bắn, mảng ban đỏ và mụn nước.
 

 
Hình 1: Tổn thương sẩn mảng đỏ ở vị trí vết rạn vùng bụng, xung quanh rốn
 

 
 
Hình 2: Tổn thương đa hình thái: sẩn đỏ, sẩn phù, mụn nước vùng bụng, tay chân phụ nữ có thai
Chẩn đoán – Chẩn đoán PEP thường dựa trên lâm sàng, sinh thiết da có thể được thực hiện trong trường hợp nghi ngờ.Bệnh thường kéo dài từ 4 – 6 tuần và hết trong vòng 2 tuần sau khi sinh, mặc dù nó có thể kéo dài hơn hoặc hết trước khi sinh.
Giải phẫu bệnh – Hình ảnh thâm nhiễm tế bào lympho quanh mạch và phần phụ, có chứa bạch cầu ái toan. Đặc điểm của viêm mạch tế bào lympho có thể được nhìn thấy trong một số trường hợp. 30 – 50% trường hợp có thay đổi thượng bì với hình ảnh: tăng sản nhẹ, xốp bào và sừng hóa. Có thể có phù trung bì và lắng đọng mucin khu trú.
Hóa mô miễn dịch cho thấy sự xâm nhập chủ yếu của lympho T hỗ trợ, tăng CD1a +, CD54 + ICAM-1 +  ở vùng da tổn thương.
Miễn dịch huỳnh quang trực tiếp có sự lắng đọng dạng hạt không đặc hiệu của C3 và IgM hoặc IgA tại nhú trung bì và xung quanh mạch máu trong khoảng 30% trường hợp. Miễn dịch huỳnh quang gián tiếp âm tính.
Chẩn đoán phân biệt – Giai đoạn sớm với tổn thương sẩn mày đay cần phân biệt với pemphigoid thai kì, chẩn đoán phân biệt dựa vào miễn dịch huỳnh quang trực tiếp.
Tổn thương bia bắn của PEP cần phân biệt với hồng ban đa dạng. Dị ứng thuốc, nhiễm vi rút và nhiễm ghẻ cũng có thể xuất hiện các sẩn ban đỏ tương tự như PEP. Tiền sử, mô bệnh học và xét nghiệm máu giúp chẩn đoán phân biệt.
Điều trị – Mục tiêu điều trị là giảm nhẹ triệu chứng. Khuyến cáo sử dụng corticosteroid tại chỗ hiệu lực trung bình đến cao (nhóm 2 – 4) là liệu pháp ban đầu cho PEP. Tính an toàn của corticosteroid tại chỗ trong thai kỳ được hỗ trợ bởi một số nghiên cứu quan sát và phân tích tổng hợp. Tuy nhiên, việc sử dụng corticosteroid tại chỗ mạnh hoặc siêu mạnh vượt quá 300 g trong cả thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ sinh con nhẹ cân.
Trong trường hợp nghiêm trọng, có thể dùng một đợt corticosteroid toàn thân ngắn ngày sau đó giảm liều nhanh (prednisolone 0,5 mg / kg/ngày trong một tuần, giảm dần trong 1 -2  tuần) để giảm nhanh các triệu chứng.
Sử dụng histamine giúp kiểm soát ngứa.
Tiên lượng – PEP thường kéo dài 4 – 6 tuần và tự khỏi trong vòng hai tuần sau khi sinh. PEP không làm tăng nguy cơ cho thai nhi hoặc mẹ, bệnh hiếm khi tái phát./.
(Tài liệu tham khảo BVDLTW)

Tác giả: BAN BIÊN TẬP
Nguồn:Trung tâm da liễu Hải Phòng Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 85 trong 17 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin tức