A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

XÉT NGHIỆM SOI TƯƠI TÌM NẤM DA

1. Tại sao cần làm xét nghiệm vi nấm soi tươi?
Để điều trị cho kết quả tốt, bệnh nhân cần được chẩn đoán sớm. Người bệnh nghi ngờ bị nấm da nên được xét nghiệm nấm da.
Nấm da thường gây bệnh trên bề mặt những nơi có chất sừng (keratin) như da, lông, tóc, móng.
Xét nghiệm nấm gây bệnh cũng tương tự như xét nghiệm vi khuẩn gây bệnh. Những bệnh nhân nghi ngờ do nấm gây nên được tiến hành xét nghiệm trực tiếp soi dưới kính hiển vi hoặc được nuôi cấy trên các môi trường thích hợp để xác định tính chất sinh hoá học từ đó định rõ loài nấm gây bệnh.
Trong công tác xét nghiệm nấm cần lưu ý điều kiện vệ sinh dụng cụ và không khí xung quanh ở nơi làm xét nghiệm, vì trong không khí các bào tử và sợi nấm tạp thường xuất hiện. Nếu không chú ý vệ sinh sạch sẽ dễ lây nhiễm ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.
2. Dụng cụ, hóa chất
- Dụng cụ phương tiện: Dao đầu nhọn, dao trích, kìm cắt móng, nhíp nhổ tóc, phiến kính sạch, lamen, gạc, bông cồn 700, đèn cồn, kính hiển vi.
- Dung dịch, hoá chất:
+ Dung dịch KOH 20% để xét nghiệm nấm da;
+ Để làm tiêu bản xét nghiệm được trong, giữ tiêu bản được lâu dài phục vụ xét nghiệm và huấn luyện thì dung dịch KOH có thêm glycerin (KOH 20 g; glycerin 20 ml + nước cất vừa đủ 100 ml) hoặc dung dịch DMSO (Nước cất 60 ml+ KOH 20 gam + Dimetyslfoxide 40 ml).
3. Quy trình làm xét nghiệm
- Bệnh phẩm để xét nghiệm trực tiếp nấm ngoài da có thể là tóc, lông,vẩy da đầu, vẩy da mặt, chân, tay, bụng, bẹn, kẽ chân, móng tay, v.v... vẩy da bệnh phẩm được lấy từ các nơi viêm nhiễm nghi có nấm, bệnh phẩm thường được lấy tại phòng xét nghiệm nấm.
a.    Lấy bệnh phẩm ở da
•    Cạo vẩy da ở rìa thương tổn
•    Cạo ở nhiều vị trí
•    Cạo từ trong thương tổn ra ngoài da lành để lấy vẩy ở ranh giới giữa da bệnh và da lành, cho các vẩy da rơi lên tiêu bản hoặc vào đĩa petri vô khuẩn
•    Lấy vẩy da không phải vẩy tiết
•    Không cạo bệnh phẩm trên thương tổn cấp tính: chàm cấp, bội nhiễm
b.    Lấy bệnh phẩm ở móng
•    Nếu thương tổn móng dầy mủn ở bờ tự do: dùng dao, kéo cạo và cắt lớp sừng mủn ở dưới móng
•    Nếu thương tổn móng tách giữa móng và bàn móng dùng dao nhọn cạo chất sừng mủn ở dưới móng
•    Nếu viêm quanh móng: Cạo vẩy da ở rãnh quanh móng
•    Cho lớp sừng vào tiêu bản hoặc đĩa petri vô khuẩn.
 

 
Hình 1: Hình ảnh lấy bệnh phẩm xét nghiệm
3.    Kỹ thuật làm tiêu bản
- Cho bệnh phẩm lên lam kính, nhỏ dung dịch KOH 20% lên trên bệnh phẩm. Đậy lamen. Để 30 phút (có thể giảm thời gian bằng cách hơ qua ngọn lửa đèn cồn 3 lần sau đó để 15 phút).
- Soi dưới kính hiển vi vật kính 10X, 40X.
4.    Nhận định kết quả
Trước khi soi nên dàn mỏng tiêu bản. Sử dụng vật kính 10 xác định vi trường xem sơ bộ, sau đó dùng vật kính 40 để nhận định.
•    Nấm da :thấy sợi nấm trong suốt, có vách ngăn, có thể thấy bào tử đốt.
•    Nấm lang ben :thấy sợi nấm thô, ngắn giống sợi miến vụn và đám tế bào tròn dạng hình túi trứng cóc
 

 
Hình 2: Nấm da
 

 
Hình 3: Nấm lang ben
 
•    Nấm tóc:
•    Thấy sợi và bào tử nấm trong lòng sợi tóc (Endothrix): Phát nội
•    Thấy sợi bào tử nấm nằm quanh sợi tóc (Ectothrix): Phát ngoại
 

 
Hình 4: Phát nội
 

 
Hình 5: Phát ngoại
 
 
Một số yếu tố có liên quan đến kết quả xét nghiệm.
Bệnh phẩm: trước khi làm xét nghiệm bệnh nhân phải ngừng thuốc điều trị kháng nấm ít nhất 1 - 2 tuần.
•    Nếu không ngừng thuốc thì nấm tạm thời “biến mất”, “thể lặn” làm cho kỹ thuật viên tìm không ra.
•    Các thuốc mỡ tồn tại trên da khiến trong vi trường có nhiều hạt mỡ khó xem, làm cản trở tầm nhìn của người quan sát.
•    Các thuốc màu làm cho da bị nhuộm màu xanh hay tím, đỏ, làm che khuất cấu trúc của vi nấm.

Tác giả: BAN BIÊN TẬP
Nguồn:Trung tâm da liễu Hải Phòng Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin tức