LỊCH SỬ NGÀY QUỐC TẾ ĐIỀU DƯỠNG
Ngày Quốc tế Điều dưỡng hằng năm được các nước trên thế giới tổ chức vào ngày 12 tháng 5, ngày sinh của bà Florence Nightingale, nhằm tưởng nhớ những cống hiến to lớn của bà đối với việc hình thành và phát triển của ngành điều dưỡng hiện đại cũng như sự ghi nhận, tôn vinh của xã hội về vai trò của của người điều dưỡng trong chăm sóc con người đặc biệt là chăm sóc người bệnh.
Florence Nightingale (12/5/1820 – 13/8/1910)
Florence Nightingale (1820 – 1910) sinh ra trong một gia đình giàu có ở Anh. Từ nhỏ, bà đã thể hiện thiện tính và hoài bão được giúp đỡ người nghèo. Năm 1847, bà vào học và làm việc tại bệnh viện Kaiserswerth (Đức) dù gặp nhiều trở ngại về quan điểm xã hội và gia đình đối với nữ giới khi tham gia học về y tế và làm việc tại bệnh viện. Năm 1853, bà học thêm ở Paris (Pháp) sau đó trở lại London và điều hành một bệnh viện. Năm 30 tuổi, bà đã trở thành người điều hành và tổ chức chăm sóc sức khỏe cho những người nghèo khổ tại London, sắp xếp hợp lý và đưa ra các tiêu chuẩn cho công tác điều dưỡng. Trong vòng 2 năm, bà đã trở thành một trong những nhà lãnh đạo uy tín tại các bệnh viện nước Anh.
Những năm 1854-1855, chiến tranh Crimée nổ ra, bà được Chính phủ Anh điều sang Thổ Nhĩ Kỳ với cương vị chỉ huy đội điều dưỡng và tổ chức chăm sóc thương bệnh binh của quân đội Hoàng gia Anh tại mặt trận cùng với 38 phụ nữ Anh khác. Lúc này, các bệnh viện tiền phương luôn trong tình trạng bẩn thỉu. Bà đã đưa ra lý thuyết về khoa học vệ sinh trong các cơ sở y tế và yêu cầu phải dọn dẹp sạch sẽ để đảm bảo công tác vệ sinh, chống nhiễm trùng. Vì vậy, bà là người đầu tiên đặt nền tảng về vệ sinh trong các cơ sở y tế và nhờ đó đã giúp làm giảm tỷ lệ chết của thương binh do nhiễm trùng từ 42% xuống còn 2%. Trong đêm, Forence thường cầm đèn đi chăm sóc cho từng thương bệnh binh.Hình ảnh này đã để lại trong trí nhớ và tình cảm của những người thương binh hồi đó, vì thế, các thương binh đã đặt cho bà danh hiệu “Nữ công tước với cây đèn” hay “Thiên thần trong bệnh viện”. Sau khi trở lại nước Anh, bệnh tật mắc phải trong chiến tranh Crimée đã làm cho Florence Nightingale mất khả năng làm việc trực tiếp tại bệnh viện. Bà được dân chúng và những người lính Anh tặng món quà 50.000 bảng Anh để chăm sóc sức khoẻ. Tuy nhiên, bà đã dùng số tiền này sử dụng trong vào việc thành lập Trường Điều dưỡng Nightingale tại Bệnh viện St. Thomas, London vào năm 1860 (nay là một phần của trường King’s College London) cùng với chương trình đào tạo 1 năm. Sự kiện này đã đặt nền tảng cho hệ thống đào tạo điều dưỡng không chỉ ở nước Anh mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Kể cả khi sức khỏe suy yếu đến không còn đi lại được, Nightingale vẫn được Chính phủ Mỹ luôn xin ý kiến của bà về việc tổ chức các bệnh viện dã chiến để chăm sóc thương bệnh binh tại chiến trường trong cuộc nội chiến Mỹ. Florence Nightingale mất ngày 13/8/1910. Nghi thức thắp đèn dầu và đọc lời thể của Florence Nightingale đã trở thành nghi thức chính thức của sinh viên điều dưỡng trong lễ tốt nghiệp của nhiều trường điều dưỡng trên thế giới.
Florence Nightingale với cây đèn dầu bên giường bệnh.
Ngày 12/5/1965 Hội đồng Quốc tế Điều dưỡng đã tổ chức họp và quyết định lấy ngày 12 tháng 5 hàng năm, ngày sinh của Florence Nightingale làm Ngày Quốc tế Điều dưỡng để tôn vinh, tưởng nhớ công lao của Bà và khẳng định quyết tâm tiếp tục sự nghiệp mà Bà đã xây dựng và Florence Nightingale đã trở thành người mẹ tinh thần của ngành điều dưỡng thế giới.
Những thành tựu của Ngành Điều dưỡng Việt Nam hiện nay chính là sự kết tinh truyền thống và kinh nghiệm của những người đi trước truyền lại cho những thế hệ điều dưỡng hôm nay và mai sau. Đó cũng là sự giúp đỡ tận tình của các chuyên gia điều dưỡng quốc tế. Thế hệ điều dưỡng chúng ta quyết phát huy truyền thống của dân tộc, của ngành Điều dưỡng Việt Nam không ngừng học tập, rèn luyện để tiến bộ, góp phần xây dựng và phát triển ngành ngày càng mạnh mẽ.
Nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Điều dưỡng 12/5, xin gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến tất cả các Điều dưỡng viên, chúc các đồng chí nhiều sức khỏe, hạnh phúc, ngày càng yêu nghề và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Một số hoạt động của các Đ/c Điều dưỡng Trung tâm Da liễu
Nguồn:Trung tâm da liễu Hải Phòng Copy link