A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

VIÊM TUYẾN MỒ HÔI CÓ MỦ (Hidradenitis Suppurativa)

Viêm tuyến mồ hôi mủ (tên khoa học là Hidradenitis Suppurativa) là một bệnh da nhiễm trùng mãn tính ở vùng có tuyến mồ hôi tiết mùi của cơ thể, hình thành bởi một quá trình từ nốt không viêm đến những thương tổn viêm nằm sâu bao quanh gây đau đớn. Hậu quả là chảy mủ nhầy và để lại sẹo xơ dính.
1. Nguyên nhân
Hiện nay chưa rõ nguyên nhân gây ra bệnh viêm tuyến mồ hôi mưng mủ. Một số ý kiến cho rằng bệnh có thể liên quan đến gen và môi trường xung quanh.
Bệnh xảy ra phổ biến ở nữ giới hơn là nam giới. Bệnh cũng có nhiều khả năng xảy ra nếu bạn thừa cân, hút thuốc lá hoặc bị mụn trứng cá. Khoảng một phần ba số bệnh nhân có người thân cũng mắc bệnh viêm tuyến mồ hôi mủ.
Các vấn đề về da xảy ra khi các nang lông bị tắc nghẽn. Các triệu chứng đầu tiên thường xuất hiện ở tuổi thanh thiếu niên hoặc khoảng 20 tuổi.
2. Triệu chứng thường gặp
Bệnh viêm tuyến mồ hôi mủ thường ảnh hưởng đến cả hai bên của cơ thể bạn. Bạn có thể bị nổi mụn ở một hoặc nhiều vùng cùng một lúc.
Dấu hiệu cảnh báo đầu tiền có thể là một vết sưng đau do viêm. Nó có thể kéo dài vài ngày hoặc vài tháng. Bạn có thể bị tái phát nhiều lần một vết sưng tại cùng một vị trí hoặc cùng một khu vực.
Bên cạnh việc hình thành các túi mủ, các nốt mụn có thể gây ngứa. Da của bạn có thể có những vùng rỗ nhỏ với mụn đầu đen. Một số người có đường hầm dưới da, được gọi là đường dò, liên kết các khu vực bị viêm tuyến mồ hôi mủ với nhau. Các vết sưng và túi mủ bị rò rỉ có thể biến mất rồi xuất hiện trở lại. Trong trường hợp nặng, chúng có thể không chữa lành được hoàn toàn.
3. Vị trí thường gặp
Sự tắc nghẽn thường xảy ra ở những vùng chứa nhiều lông, tóc hoặc nơi da cọ xát với nhau. Chẳng hạn như:
  • Vùng nách, (thường gặp nhất)
  • Vùng bẹn.
  • Ở giữa hai mông.
  • Dưới bầu ngực của bạn.
  • Ở giữa nếp gấp bụng.
  • Ở vùng nếp gấp cổ.
  • Đằng sau hai bên tai.
4. Hướng xử trí khi gặp phải trường hợp này như thế nào?
Đầu tiên Việc điều trị sẽ dựa trên mức độ nặng mà bạn mắc phải..
Chườm ấm
Bạn có thể thử cách này đầu tiên nếu trường hợp bệnh của bạn là nhẹ. Ngâm khăn sạch với nước nóng và đắp khăn lên da khoảng 10 phút.
Dùng thuốc
Sử dụng thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) có thể làm dịu triệu chứng đau và giúp bạn kiểm soát tình trạng sưng tấy. Thuốc có thể gồm: Aspirin, Ibuprofen, Naproxen.
Thuốc kháng sinh: Doxycyclin, Minocyclin, erythromycin, clindamycin…
Corticosteroids: cân nhắc khi có đau nhiều hoặc nhiễm trùng nặng
Phẫu thuật: trích rạch tháo mủ
5. Cần làm gì để hạn chế việc xuất hiện bệnh
- Duy trì cân nặng hợp lý, hạn chế những hoạt động thể dục thể thao ra quá nhiều mồ hôi
- Giữ vệ sinh sạch sẽ, khô thoáng
- Khi thấy có những vấn đề bất thường trên da cần đi khám bác sĩ sớm để có chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh biến chứng.
 

 
Nguồn ảnh: Internet

Tác giả: BAN BIÊN TẬP
Nguồn:Trung tâm da liễu Hải Phòng Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin tức