A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA RƯỢU BIA

Đưa Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia vào cuộc sống

I. Một số quy định chung về phòng, chống tác hại của rượu, bia
1. Một số hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia
- Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia.
- Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia.
- Bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi.
- Sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia.
- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập.
- Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
- Quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên.
- Sử dụng nguyên liệu, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến không được phép dùng trong thực phẩm; nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không bảo đảm chất lượng và không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sản xuất, pha chế rượu, bia.
- Kinh doanh rượu không có giấy phép hoặc không đăng ký; bán rượu, bia bằng máy bán hàng tự động.
- Kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển rượu, bia giả, nhập lậu, không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhập lậu rượu, bia.
2. Trách nhiệm của gia đình trong phòng, chống tác hại của rượu, bia
- Giáo dục, giám sát, nhắc nhở thành viên chưa đủ 18 tuổi không uống rượu, bia, các thành viên khác trong gia đình hạn chế uống rượu, bia; động viên, giúp đỡ người nghiện rượu, bia trong gia đình cai nghiện rượu, bia.
- Hướng dẫn các thành viên trong gia đình kỹ năng từ chối uống rượu, bia; kỹ năng nhận biết, ứng xử, xử trí khi gặp người say rượu, bia, người nghiện rượu, bia và thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia.
- Tham gia với các cơ quan, tổ chức và cộng đồng thực hiện phòng, chống tác hại của rượu, bia.
3. Trách nhiệm của cơ sở kinh doanh rượu, bia
- Tuân thủ quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh rượu, bia; về quảng cáo, khuyến mại, tài trợ, an toàn thực phẩm, chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, ghi nhãn hàng hóa đối với rượu, bia. Thông tin về sản phẩm rượu, bia phải bảo đảm chính xác, khoa học.
- Cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về hoạt động kinh doanh của cơ sở theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
- Không sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc kinh doanh, quảng cáo rượu, bia.
- Thu hồi và xử lý rượu, bia không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm do cơ sở mình sản xuất, mua bán theo quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.
- Cơ sở bán rượu, bia phải niêm yết thông báo không bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi. Trường hợp nghi ngờ về độ tuổi của người mua rượu, bia thì người bán có quyền yêu cầu người mua xuất trình giấy tờ chứng minh.
- Cơ sở bán rượu, bia tiêu dùng tại chỗ nhắc nhở và có hình thức thông tin phù hợp đối với khách hàng về việc không điều khiển phương tiện giao thông, hỗ trợ khách hàng thuê, sử dụng phương tiện giao thông công cộng sau khi uống rượu, bia.
- Không được mở mới điểm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ trong bán kính 100 m tính từ khuôn viên của cơ sở y tế, nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông.
- Tư vấn về phòng, chống tác hại của rượu, bia cho người đến khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở y tế;
- Sàng lọc, phát hiện sớm yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe của người uống rượu, bia; người mắc bệnh, rối loạn chức năng do uống rượu, bia; người nghiện rượu, bia;
- Can thiệp giảm tác hại cho người có yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe, phụ nữ mang thai có hội chứng hoặc nguy cơ ngộ độc rượu ở thai nhi; phòng, chống nghiện và tái nghiện rượu, bia;
d) Chẩn đoán, điều trị, phục hồi chức năng cho người mắc bệnh, rối loạn chức năng có liên quan đến uống rượu, bia.
4. Phòng ngừa và xử lý rượu, bia giả, không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm; rượu, bia nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ
- Rượu, bia giả, không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm và rượu, bia nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ đều bị tịch thu, xử lý theo quy định.
- Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phối hợp, tham gia với cơ quan có thẩm quyền trong phòng, chống rượu, bia giả, không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm và rượu, bia nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
5. Phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia
- Người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông.
- Người đứng đầu cơ sở kinh doanh vận tải, chủ phương tiện giao thông vận tải có trách nhiệm chủ động thực hiện biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn người điều khiển phương tiện vận tải uống rượu, bia ngay trước và trong khi tham gia giao thông.
- Cơ quan, người có thẩm quyền có trách nhiệm kiểm tra nồng độ cồn trong máu, hơi thở của người điều khiển phương tiện giao thông đang tham gia giao thông hoặc gây ra tai nạn giao thông.
II. Một số quy định về xử lý vi phạm quy định về phòng, chống tác hại của rượu bia
1. Vi phạm các quy định về uống rượu, bia và địa điểm không uống rượu, bia
- Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi có hành vi uống rượu, bia.
- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với một trong các hành vi:
+ Uống rượu, bia tại địa điểm không uống rượu, bia theo quy định pháp luật.
+ Xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu bia.
- Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với một trong các hành vi:
+ Uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập;
+ Ép buộc người khác uống rượu bia.
2. Vi phạm các quy định về bán, cung cấp rượu, bia
- Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với một trong các hành vi:
+ Bán, cung cấp rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi.
+ Không niêm yết thông báo không bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi tại vị trí dễ nhìn của cơ sở bán rượu, bia.
- Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi:
+ Bán rượu, bia tại địa điểm không bán rượu, bia theo quy định của pháp luật;
+ Mở mới điểm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ trong bán kính 100 m tính từ khuôn viên của cơ sở y tế, nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông. Ngoài phạt tiền, hành vi này còn bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh rượu, bia có thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng.
3. Vi phạm các quy định về khuyến mại rượu, bia
Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi:
- Khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi.
- Khuyến mại trong hoạt động kinh doanh rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên.
- Sử dụng rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức.
- Khuyến mại rượu, bia có độ cồn dưới 15 độ không tuân thủ các quy định của pháp luật về khuyến mại.
4. Vi phạm các quy định về trách nhiệm của cơ sở kinh doanh rượu, bia
- Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi:
+ Cung cấp thông tin không đầy đủ, không chính xác về hoạt động kinh doanh của cơ sở theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
+ Không nhắc nhở hoặc không có biển cảnh báo đối với khách hàng về việc không điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia.
- Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi:
+ Sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc mua, bán rượu, bia.
+ Thông tin về sản phẩm rượu, bia không bảo đảm chính xác, không có cơ sở khoa học. Ngoài phạt tiền, hành vi này còn bị buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên sản phẩm (nếu có) và cải chính thông tin sai sự thật.
(Trích Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia năm 2019; Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/09/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế).

Tác giả: BAN BIÊN TẬP
Nguồn:Trung tâm da liễu Hải Phòng Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết