A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

PHÙ MẠCH (Angioedema)

  1. ĐẠI CƯƠNG
  • Phù mạch là tình trạng sưng nề cục bộ của da, niêm mạc thường kéo dài từ vài giờ đến 72 giờ. Các vị trí thường gặp: môi, mắt, bàn tay, bàn chân, bộ phận sinh dục, lưỡi họng và thanh quản, đường tiêu hóa. Nếu không được xử trí kịp thời có thể gây biểu hiện khó thở, suy hô hấp nguy hiểm tính mạng.
  • Phù mạch thường đi kèm bệnh lý dị ứng (mày đay, viêm da tiếp xúc), bệnh di truyền hiếm gặp, do thuốc và các nguyên nhân khác. Cơ chế bệnh sinh có liên quan đến chất trung gian hóa học chính là histamin và bradykinin.
  1. LÂM SÀNG
  • Tổn thương da bao gồm: sưng nề mô dưới da bất kỳ vị trí nào, hay gặp ở mặt, bàn tay, bàn chân và có kèm theo sung huyết. Triệu chứng cơ năng: cảm giác căng tức, đau tại chỗ.
  • Biểu hiện niêm mạc khá phổ biến gồm có: sưng nề môi, mắt, sinh dục, lưỡi, thanh quản các mức độ khác nhau.
  • Trường hợp cấp tính, nguy hiểm đến tính mạng do sưng nề lưỡi, thanh quản có biểu hiện sớm: thay đổi giọng nói, tiếng rít thanh quản hay khó thở đột ngột do tắc nghẽn đường hô hấp, chóng mặt, ngất xỉu cần được xử lý kịp thời. đau bụng do phù mạch tại đường tiêu hóa cũng thường gặp, gây đau đớn, khó chịu, cần loại trừ nguyên nhân cấp cứu ngoại khoa.
  • Phân loại theo phù mạch:
+ Phù mạch qua trung gian tế bào mast, giải phóng histamin: liên quan đến ngứa, mày đay.
+ Phù mạch qua trung gian bradykinin: tăng sản xuất quá mức hoặc ức chế thoái hóa bradykinin và không liên quan đến tế bào mast.
+ Phù mạch do thuốc ức chế men chuyển (ACEI) chiếm 0,1 - 2,5% tỉ lệ phù mạch.
+ HAE (hereditary angiodema) là một dạng khác của phù mạch không do kháng histamin, gây ra bởi đột biến gen sản xuất C1 INH.
+ Thiếu hụt C1 INH mắc phải là nguyên nhân hiếm gặp gây phù mạch.
+ Phù mạch vô căn mạn tính: khi có ≥ 3 đợt phù mạch trong năm với nguyên nhân không xác định. Phù mạch không liên quan đến ngứa, nổi mày đay.
+ Một số dạng phù mạch ít gặp: hội chứng Gleih (phù mạch, không nổi mày đay, tăng bạch cầu ái toan và tăng IgM huyết thanh).
  1. CHẨN ĐOÁN
  • Dựa vào lâm sàng: sưng nề cục bộ da và niêm mạc ở các vị trí điển hình bàn tay, quanh mắt, môi, sinh dục, thanh quản kết hợp khai thác tiền sử, các yếu tố nguyên nhân của bệnh.
  • Xét nghiệm nồng độ INH và yếu tố di truyền giúp chẩn đoán xác định thể phù mạch.
  1. ĐIỀU TRỊ
  • Loại bỏ nguyên nhân gây viêm mạch: thuốc, thức ăn, yếu tố vật lý…
  • Thuốc kháng histamin, cocticoid, epinephrin là các thuốc điều trị phù mạch có liên quan đến histamin.
  • Trường hợp phù mạch ở lưỡi, thanh quản biểu hiện cấp tính, nguy hiểm tính mạng: thuốc kháng histamin, cocticoid không hiệu quả.
+ Cần được xử trí ngay bằng adrenalin 0,2 – 0,5 mg tiêm bắp mỗi 10 phút. Khi có khó thở, rối loạn hô hấp nghiêm trọng, đặt nội khí quản hoặc mở khí quản cấp cứu nên được ưu tiên.
+ Cocticoid cũng nên được thêm vào để ức chế chất trung tâm gây viêm.
  • Đối với phù mạch di truyền do rối loạn C1 INH, các phương pháp điều trị bổ sung: C1 INH đông lạnh, huyết tương tươi đông lạnh, C1 INH tái tổ hợp, làm giảm nhanh triệu chứng sưng nề, dùng điều trị cho các đợt cấp.
  • Phù mạch qua trung gian bradykinin: cần làm giảm sản xuất bradykinin bằng huyết tương đông lạnh (fresh frozen plasma – FFP) do cung cấp 1 lượng C1 – INH.
  • Một số phương pháp điều trị mới: icatiban (Firazyr) là chất đối kháng thụ thể bradykinin, ecallantide (Kalbitor) là chất ức chế Kallikrein.
(Ảnh nguồn Internet)
 
Phù mạch ở quanh mắt 
 
 
Sưng nề, đau nhức bàn tay trong phù mạch di truyền

Tác giả: BAN BIÊN TẬP
Nguồn:Trung tâm da liễu Hải Phòng Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin tức