A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

HỒNG BAN HÌNH NHẪN LY TÂM (Erythema annulare centrifugum)

  1. ĐẠI CƯƠNG
Hồng ban hình nhẫn ly tâm là một bệnh hiếm gặp, được miêu tả lần đầu bởi Darier năm 1916. Bệnh đặc trưng là các ban hình đa cung, lành ở trung tâm, thường xuất hiện ở chi dưới.
Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh còn chưa rõ. Người ta cho rằng hồng ban hình nhẫn ly tâm là một phản ứng quá mẫn da tuýp IV do nhiều căn nguyên khác nhau:
  • Do thuốc: finasterid, chloroquin, hydroxychloroquin, hydrochlorothiazid, piroxicam, etizolam, cimetidin, penicilin, salicylat, spironolacton, gold sodium thiomalat, amitriptylin, ustekinumab, rituximab.
  • Do thức ăn.
  • Do côn trùng đốt.
  • Do nhiễm trùng (vi khuẩn Pseudomonas, virus Epstein – Barr virus, poxvirus, HIV, Varicella-Zoster, nấm Candida)
  • Các bệnh lý nội tiết và tự miễn: bệnh Graves, viêm tuyến giáp Hashimoto, hội chứng Sjogren, viêm da progresterone tự miễn.
  • Bệnh lý máu và các khối u các tính: u lympho Hodgkin, u lympho non-Hodgkin, bệnh bạch cầu cấp, bệnh mô bào histiocytokin, ung thư vòm họng, ung thư tiền liệt tuyến, ung thứ vú và ung thư buồng trứng.
Gọi là hồng ban hình nhẫn ly tâm vô căn khi không tìm được bất kì nguyên nhân nào kể trên.
Nghiên cứu của Kim năm 2002 cho thấy trên 66 bệnh nhân hồng ban nhẫn ly tâm: 72% bệnh nhân có bệnh lý kết hợp. Trong đó, 48% có nhiễm nấm (nhiều nhất là nấm bàn chân), 18% có bệnh lý da khác, 13% có bệnh lý ác tính và 21% có bệnh hệ thống khác.
  1. LÂM SÀNG
 Tổn thương thường xuất hiện ở cẳng tay và cẳng chân, ít hơn ở thân mình. Mặt, bàn tay và chân thường không có. Tổn thương cơ bản là mảng hoặc sẩn đỏ hình đa cung, tiến triển chậm 2 – 3mm/ngày, kích thước thường dưới 10cm, sau đó lành ở giữa.
Dựa vào sự khác biệt về bờ tổn thương, có hoặc không có vảy và triệu chứng ngứa, Ackerman chia hồng ban hình nhẫn ly tâm thành 2 tuýp:
  • Tuýp nông: bờ không cứng, thường có vảy. Cơ năng: ngứa. Đợt bệnh thường ngắn nhưng tỉ lệ tái phát cao.
  • Tuýp sâu: bờ thường cứng, không có vảy. Cơ năng: không ngứa. Đợt bệnh thường dài, tỉ lệ tái phát thấp hơn so với tuýp nông.
  1. CẬN LÂM SÀNG
Giải phẫu bệnh: đặc trưng là xâm nhập của lympho bào và mô bào quanh mạch, vị trí nông sâu tùy thuộc từng tuýp:
  • Tuýp nông: xâm nhập viêm ở trung bì nông (thường kèm theo nhú bì), đôi khi có xâm nhập của bạch cầu ái toan. Thượng bì có thể có á sừng hoặc xốp bào.
  • Tuýp sâu: xâm nhập viêm ở toàn bộ vùng trung bì, đặc biệt là lưới trung bì. Thượng bì thường bình thường.
Các xét nghiệm khác: tùy theo nguyên nhân nghi ngờ gây hồng ban nhẫn ly tâm
Do nhiễm khuẩn: công thức máu, CRP, procalcitonin…
Do các bệnh lý nội tiết và tự miễn: siêu âm tuyến giáp, TSH-FT3-FT4, ANA Hep 2…
Do bệnh máu: huyết đồ, tủy đồ, sinh thiết tủy xương, sinh thiết hạch…
Do bệnh ác tính: tìm các khối u vùng mũi họng, tiền liệt tuyến, buồng trứng, ung thư vú…
  1. CHẨN ĐOÁN
Kết hợp lâm sàng và giải phẫu bệnh.
  1. CHẨN ĐOÁN PHÂN BIỆT
- Erythema gyratum perstans
- Nấm da
- Hồng ban di chuyển (bệnh Lyme)
- Tổn thương hình bia bắn trong hồng ban đa -dạng
- U hạt vòng
- Chàm đồng tiền
- Lupus đĩa
- Porokeratosis
  1. ĐIỀU TRỊ
- Tìm và điều trị bệnh lý nền gây ra hồng ban hình nhẫn ly tâm.
  • Riêng hồng ban hình nhẫn vô căn: một vài nghiên cứu cho thấy uống azithromycin, hoặc erythromycin hoặc fluconazol… có hiệu quả. Tuýp nông đáp ứng hơn tuýp sâu.
  • Nghiên cứu của Sandana trên 10 bệnh nhân hồng ban nhẫn ly tâm vô căn điều trị bằng azithromycin 250mg/ngày, uống đến khi sạch tổn thương hoặc không quá 3 tuần. Kết quả: 8/10 bệnh nhân khỏi bệnh, không tái phát trong thời gian theo dõi.
  • Nghiên cứu của Chuang trên 8 bệnh nhân hồng ban nhẫn ly tâm vô căn mạn tính, điều trị bằng erythromycin 250mg x 4 lần/ngày trong 2 tuần. Kết quả: 100% bệnh nhân sạch tổn thương sau 2 tuần điều trị. Theo dõi tiếp 40 tuần, có 3 bệnh nhân tái phát, điều trị lại bằng erythromycin với liều cũ thì đáp ứng tốt.
  • Nghiên cứu của Kruse trên 5 bệnh nhân bị hồng ban hình nhẫn ly tâm vô căn, điều trị bằng fluconazol liều 3 – 6 mg/kg/ngày trong 2 – 14 tuần. Kết quả: tất cả bệnh nhân đều đáp ứng điều trị, 3 bệnh nhân sạch hoàn toàn tổn thương.
  • Có thể dùng cocticoid bôi tại chỗ và cocticoid toàn thân để điều trị triệu chứng nhưng tỉ lệ tái phát cao sau ngừng thuốc.
 
Tuýp sâu: mảng đỏ hình đa cung, lành giữa, ranh giới rõ với vùng da lành, bờ cứng không có vảy
 
 
Tuýp nông: tổn thương mảng đỏ ở da, bờ không cứng, có vảy
(ảnh nguồn internet)

Tác giả: BAN BIÊN TẬP
Nguồn:Trung tâm da liễu Hải Phòng Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 20 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin tức