A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

THUỐC BÔI MÀU TRONG DA LIỄU

Đặc tính, ưu điểm và hạn chế của các loại thuốc bôi màu trong da liễu - cần được hiểu thế nào?
  1. THUỐC TÍM
Thuốc tím được sử dụng trong y khoa từ những năm 1800s, có đặc tính làm khô, oxy hóa và hỗ trợ kháng khuẩn, thường được sử dụng bằng cách đắp ướt và tắm trong điều trị các bệnh lý da viêm có xuất tiết dịch. Theo Dược điển Vương Quốc Anh (British National Formulary), nồng độ được khuyến cáo là 1:10000. Trên thực hành lâm sàng tại Việt Nam và một số nước châu Âu, dung dịch thuốc tím được pha loãng và sử dụng dựa trên đánh giá màu sắc bằng mắt thường, với màu hồng nhạt cánh sen được đồng thuận và khuyến cáo rộng rãi.
THUỐC TÍM CÓ NHIỀU ƯU ĐIỂM, như chi phí thấp, tăng lành thường với nguy cơ dị ứng thấp. Các chỉ định thường gặp gồm: nhóm bệnh chàm da cấp có mụn nước hoặc rỉ dịch, các bệnh lý bóng nước, vết trợt/loét da rỉ dịch, bội nhiễm, viêm mô tế bào, hoại thư sinh hơi,…Tuy nhiên, mức độ chứng cứ khoa học chỉ dừng lại ở vài nghiên cứu can thiệp lâm sàng, nghiên cứu ca nhỏ lẻ, và chưa có phác đồ hoặc tổng quan hệ thống nào về hiệu quả của thuốc tím trong các bệnh lý này. Ngoài ra, mặc dù thuốc tím có làm giảm số lượng vi khuẩn, tuy nhiên không có ý nghĩa thống kê.
Mặc dù có nhiều ưu điểm và được sử dụng rộng rãi từ lâu, gần đây thuốc tím ngày càng ít được sử dụng hơn ở Anh và các nước châu Âu do các tác dụng phụ như nhuộm màu da và vết thương, bỏng da, kích ứng, cứng da khi tiếp xúc ở nồng độ cao, tổn thương mắt, và đặc biệt là ngộ độc đe dọa tính mạng nếu vô tình nuốt phải.
  1. EOSIN 2%
Eosin 2% là một hợp chất huỳnh quang acid tetrabromofluorescein nằm trong danh sách các thuốc đặc biệt được khuyến cáo bởi Hiệp Hội Da Liễu Anh, được sử dụng thường xuyên trên lâm sàng nhưng chưa được cấp phép rộng rãi.
Eosin 2% thường được chỉ định trong điều trị các bệnh lý chàm da cấp rỉ dịch, loét nông,… với mức độ chứng cứ tương đối hạn chế nhờ đặc tính làm khô hiệu quả. Ngoài còn có một vài nghiên cứu in vitro và nghiên cứu lâm sàng về hiệu quả điều trị của Eosin 2% trong bệnh lý vảy nến và u máu thể loét. Tuy nhiên, dung dịch này không có tính kháng khuẩn như người ta nghĩ trong quá khứ.
SO VỚI THUỐC TÍM, EOSIN 2% ít tác dụng phụ hơn và ít độc hại hơn thuốc tím. Một số tác dụng phụ thường gặp bao gồm nhuộm màu và kích ứng da
  1. CASTELLANI
Castellani thường được sử dụng trong chuyên ngành da liễu cũng như tai mũi họng với nhiều đặc tính nổi trội như làm khô, giảm ngứa, bạt sừng, kích thích lành thương và đặc biệt là khả năng kháng khuẩn và kháng nấm. Dung dịch này có nhiều thành phần và mỗi thành phần khác nhau có những đặc tính khác nhau. Ví dụ: fuchsin có tính giảm đau, kháng khuẩn, kháng nấm, kích thích lành thương; cồn có tác dụng làm khô; hay resorcinol có tác dụng giảm ngứa, bạt sừng, kháng nấm…Hiện nay, dung dịch Castellani có nhiều biến thể khác nhau do sự thay đổi tỉ lệ các thành phần của dung dịch hỗn hợp này.
Một số chỉ định thường gặp của dung dịch Castellani là: nhiễm nấm da Dermatophytes, nhiễm Candida da, chàm bàn tay, mụn mủ lòng bàn tay – lòng bàn chân, ngứa hậu môn, âm hộ... Trong số đó, điều trị nhiễm nấm kẽ do Candida có nhiều chứng cứ nhất. Đối với nấm da do Dermatophytes, hiện vẫn chưa có nghiên cứu nào đánh giá hiệu quả điều trị tình trạng này bằng dung dịch Castellani. Về mặt vi sinh, đã có nhiều nghiên cứu in vitro khẳng định dung dịch Castellani có tính kháng khuẩn trên một số chủng vi khuẩn thường gặp như S.aureus, S.epidermidis, P.aeruginosa,… và kháng nấm Candida.
VỀ TÍNH AN TOÀN CỦA DUNG DỊCH CASTELLANI, ngoài các tác dụng phụ thường gặp như nhuộm màu da, kích ứng da và viêm da tiếp xúc, cũng cần lưu ý không nên dùng dung dịch này trên trẻ sơ sinh và trẻ em nhỏ do khả năng hấp thu phenol qua da cao hơn dẫn đến nguy cơ độc thận.
  1. MILIAN
Milian với thành phần chính gồm 2 loại thuốc nhuộm là xanh methylene và tím gentian. Nhờ các đặc tính kháng khuẩn phổ rộng, kháng nấm, kháng siêu vi thường được sử dụng trong điều trị  nhiễm trùng da như Streptococcus, Staphylococcus, MRSA, Pseudomonas, vi khuẩn gram âm… Một số chỉ định khác còn hạn chế bao gồm bạch sản dạng sợi ở miệng, các tình trạng viêm da rỉ dịch, CTCL, u máu sơ sinh và hội chứng SJS/TEN.
KHI SỬ DỤNG MILIAN, CẦN LƯU Ý CÁC TÁC DỤNG PHỤ: nhuộm màu da, châm chích, viêm da tiếp xúc kích ứng và tổn thương niêm mạc. Mặc dù có vài nghiên cứu chứng tỏ tím gentian sinh ung trên động vật khi dùng đường uống, hiện nay vẫn chưa có bằng chứng sử dụng đường bôi tại chỗ.
 

 

 

Tác giả: BAN BIÊN TẬP
Nguồn:Trung tâm da liễu Hải Phòng Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin tức