A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TẬT NHỔ TÓC (Trichotillomania)

  1. ĐẠI CƯƠNG
Tật nhổ tóc là rụng tóc không sẹo do chấn thương, là một rối loạn ám ảnh cưỡng chế hay rối loạn vận động dập khuôn. Bệnh thường gặp ở trẻ em, nữ nhiều nam, ở người lớn thì thường gặp ở người ít vận động, hoạt động tĩnh tại.
  1. LÂM SÀNG
  • Vùng rụng tóc không đối xứng, đa hình và bờ không đều, tóc gãy ở các độ dày khác nhau, mật độ tóc bình thường, test kéo tóc âm tính. Có thể có vết gãi và chảy máu.
  • Vị trí rụng tóc có thể ở da đầu (thường vùng đỉnh và trán), lông mày, lông mi, lông mu và thường bị nhiều hơn một vị trí.
  • Thường kèm theo các thói quen khác mút hoặc cắn móng tay. Một số trường hợp kèm theo nhai và ăn tóc dẫn đến tắc ruột do búi tóc (trichobenzoar).
  1. CẬN LÂM SÀNG
  • Dermoscopy: hai dấu hiệu khá đăch hiệu trong bệnh là sợi tóc gẫy với nhiều dộ dài khác nhau và dấu hiệu tóc hình ngọn lửa. Ngoài ra có thể thấy dấu hiệu black dot, nang tóc rỗng, tóc cong cuộn lại với ngọn tóc bị tước hoặc chẻ.
  • Sinh thiết: thoái hóa nang lông, xuất huyết xung quanh nang lông, lắng đọng sắc tố trong nang lông, không thấy xâm nhập viêm.
  1. CHẨN ĐOÁN
Chẩn đoán tật nhổ tóc  khi có đủ các tiêu chuẩn dưới đây:
A: Nhổ tóc thường xuyên gây rụng tóc đáng kể.
B: Tăng cảm giác căng thẳng trước khi nhổ tóc hoặc khi cố gắng chống lại hành vi nhổ tóc.
C: Hài lòng hoặc nhẹ nhõm sau khi nhổ tóc.
D: Rối loạn không do một rối loạn tâm thần khác hay một bệnh lý chung khác gây ra.
E: Bệnh gây ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động xã hội, nghề nghiệp.
  1. CHẨN ĐOÁN PHÂN BIỆT
  • Rụng tóc từng mảng do nguyên nhân khác.
  • Nấm da đầu.
  1. ĐIỀU TRỊ
  • Không dùng thuốc là lựa chọn đầu tiên, gồm: giáo dục bệnh nhân, tâm lý trị liệu, thôi miên.
  • Dùng thuốc: hiện tại có 3 thuốc được chứng minh là có hiệu quả trong tật nhổ tóc.
+ Olanzapin: thuốc chống loạn thần. Trong nghiên cứu của Van, 25 bệnh nhân tật nhổ tóc chia ngẫu nhiên vào 2 nhóm: nhóm 1 dùng Olanzapin ngày 1 lần, khởi đầu liều thấp 10mg sau đó tăng liều mỗi ngày tùy đáp ứng lâm sàng và nhóm 2 dùng giả dược trong 12 tuần. Kết quả 85% (11/13) bệnh nhân trong nhóm dùng thuốc cải thiện so với 17 % bệnh nhân trong nhóm chứng. Liều trung bình 10,8 ± 5,5 mg/ngày. Chú ý tác dụng phụ như buồn ngủ, tăng cân (khoảng 10% bệnh nhân).
+ Fluocetin: thuốc ức chế tái hấp thu thụ thể serotonin (SSRIs), liều dùng 60mg/ngày, hiệu quả trên các trường hợp đơn lẻ.
+ N-acetylcystein:
  • Thuốc vào trong cơ thể sẽ chuyển hóa thành L-cystein (một trong những protein cấu thành lên glutathion). Glutathion là một chất điều hòa glutamat, có tác dụng tái hấp thu glutamat từ bên ngoài vào trong tế bào, làm giảm glutamat ngoại bào, đóng vai trò trong cơ chế bệnh sinh của rối loạn ám ảnh cưỡng chế và một số bệnh tâm thần.
  • Liều dùng 1200 mg/ngày trong 2 tuần đầu, sau đó 1200mg/ngày x 2 lần/ngày trong 3 - 4 tháng. Với người lớn đã được chứng minh hiệu quả, trẻ em hiệu quả chưa chắc chắn.
  • Grant thử nghiệm 50 bệnh nhân tật nhổ tóc người lớn chia ngẫu nhiên thành hai nhóm: nhóm 1 dùng N-acetylcystein 1200mg x 2 lần/ngày, nhóm 2 dùng giả dược trong 12 tuần. Kết quả: 56% nhóm dùng thuốc có hiệu quả tốt và rất tốt so với 16% giả dược, sau 9 tuần điều trị thấy được sự khác biệt về hiệu quả giữa 2 nhóm, không ghi nhận tác dụng phụ. Tuy nhiên, trong nghiên cứu của Bloch, dùng thuốc với cùng phác đồ như trên ở 39 trẻ từ 8 – 17 tuổi thấy 25% ở nhóm điều trị đáp ứng so với 21% ở nhóm chứng, sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê, tác giả này kết luận thuốc N-acetylcystein không có trên tật nhổ tóc ở trẻ em.
 

 
              Hình ảnh rụng tóc do tật nhổ tóc (nguồn internet)

Tác giả: BAN BIÊN TẬP
Nguồn:Trung tâm da liễu Hải Phòng Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 25 trong 5 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin tức