A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mùa hè cảnh giác với sẩn ngứa do côn trùng

Thời tiết nóng ẩm là điều kiện thuận lợi để các loài côn trùng phát triển mạnh. Do đó dễ bị các tổn thương do côn trùng cắn, đốt.Các vết côn trùng đốt rất đa dạng nên khó phân biệt, nên việc xử trí và phòng bệnh là điều cần thiết.
Các loại côn trùng thường gặp
 
Muỗi
 
 
Rệp
 
 
Bọ chét
 
Muỗi: Sau khi bị muỗi "tấn công", không ít người có cảm giác ngứa ngáy, nổi mẩn đỏ, nhiều người khó chịu phải gãi liên tục. Điều này khiến lớp biểu bì bị tổn thương, dẫn đến viêm nhiễm.
Sau đó, vùng da bị tăng sắc tố, đậm màu hơn những chỗ khác khi vết thương hết viêm. Vết tăng sắc tố đó còn gọi là sẹo thâm.
Tình trạng này nặng nề hơn ở những người có cơ địa bệnh chàm, vết thương sẽ ngứa ngáy hơn. Với trường hợp được cho là có "làn da lành", những vết mẩn đỏ sẽ hết sau vài giờ và thường không để lại sẹo.
- Rệp: Thường ẩn náu ở các khe kẽ đồ vật trong nhà, sau khi đốt thì chúng lại quay về nơi ẩn nấp. Các triệu chứng của rệp cắn bao gồm: Xuất hiện các nốt nhỏ từ 3-5 đốm, lớn dần, đỏ. Các nốt sưng thường xuất hiện trên tay, cánh tay, vai, cổ, mặt và chân; Vết sưng, ngứa và có thể đi kèm với phồng rộp.
- Bọ chét: Thường ký sinh trên vật nuôi trong nhà: chó, mèo…
Bọ chét đốt người, để hút máu gây bệnh sẩn ngứa, ở Việt Nam thường gặp bọ chét chó và bọ chét mèo (Ctenocephalides felis, Ctenocephalides canis).
Thương tổn là các sẩn huyết thanh, kích thước 1-2mm, gờ cao hơn mặt da, đỉnh chóp sẩn có mụn nước nhỏ, rất ngứa. Những trường hợp phản ứng mạnh có thể thấy hiện tượng viêm tấy đỏ lan tỏa xung quanh sẩn.
Thương tổn thường gặp ở phần da hở hoặc ở những vùng da tiếp xúc trực tiếp với con vật khi ôm, bế chúng như: Vùng cổ, mặt, tay, chân, vùng quanh thắt lưng.
Ngoài ra bọ chét có thể là vật chủ trung gian truyền một số bệnh.
Nhận dạng của vết đốt do côn trùng và cách xử trí
Tại vị trí côn trùng đốt thường viêm tấy đỏ, giai đoạn đầu có thể quan sát thấy vết đốt ở giữa tổn thương. Sau đó tổn thương dần tạo thành một sẩn huyết thanh hoặc sẩn cục. Bệnh nhân hay bị đốt nên ngứa nhiều nhất là vùng hở như là chi dưới, cẳng tay, mặt khi tắm bị đốt cả lưng, ngực.
Sau khi bị đốt để lại điểm châm kim rớm máu sau 5-30 phút nốt sẩn như nốt muỗi đốt, cá biệt sưng vù như bị ong đốt, ngứa.
Sẩn tồn tại 3-6 giờ có khi 7-10 ngày càng gãi càng ngứa, càng nổi lên, do gãi trợt ra nhiễm khuẩn có mủ vảy tiết, lành để lại sẹo sẫm màu. Khoảng 10% sẩn dần dần cứng cộm, dày cứng thành sẩn cục bằng hạt đỗ, hạt ngô. Có khi các sẩn chi chít thành đám cộm liken hoá, ngứa dữ dội, tiến triển dai dẳng.
Tùy từng mức độ tổn thương mà xử trí khác nhau
Xử trí tại chỗ: Sẩn ngứa ban đầu nhẹ có thể vệ sinh da sạch sẽ bằng sữa tắm, tránh gãi nhiễm khuẩn.
Trường hợp nặng cần bôi kem, mỡ kháng sinh, corticoid nhằm giảm ngứa và đề phòng nhiễm trùng. Nếu nhiều vết đốt có thể sẽ được chỉ định uống thuốc kháng Histamin, Corticoid liều thấp... theo chỉ định của thầy thuốc.
Nếu người bệnh có có dấu hiệu dị ứng với nọc độc côn trùng: sốt, khó thở, nổi mày đay toàn thân… bệnh nhân cần được cấp cứu ngay tại cơ sở y tế
Lời khuyên thầy thuốc
Các biện pháp đơn giản sau đây có thể ngăn ngừa côn trùng người dân cần thực hiện nhất là về mùa hè, trong đó cần vệ sinh nhà cửa, đồ dùng, vật nuôi… thường xuyên.
Phun thuốc diệt muỗi, côn trùng trong nhà và xung quanh khu vực sinh sống. Có thể sử dụng các sản phẩm ngăn ngừa côn trùng đốt trên da
Đi du lịch, dã ngoại cần che thân thể với quần áo, nón, tất và găng tay khi đi vào khu vực có nguy cơ cao bị côn trùng đốt, cắn.
‎Tại gia đình và cộng đồng cần dọn vệ sinh, trách tình trạng các ổ nước ứ đọng sẽ là nơi thu hút muỗi. Duy trì tốt vệ sinh cá nhân và hộ gia đình, thường xuyên kiểm tra và tiêu diệt bọ chét ở mèo, chó và vật nuôi trong gia đình.

Tổn thương sẩn ngứa bọ chét cắn (ảnh nguồn internet)

Tác giả: BAN BIÊN TẬP
Nguồn:Trung tâm da liễu Hải Phòng Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 30 trong 6 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin tức