A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

BỆNH LUPUS BAN ĐỎ HỆ THỐNG VÀ MỘT SỐ ĐIỀU CẦN BIẾT

1. Lupus ban đỏ hệ thống là gì?
  • Bệnh lupus ban đỏ hệ thống là bệnh lý tự miễn do cơ thể sản xuất ra các tự kháng thể và gây ra biểu hiện bệnh ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể.
  • Bệnh thường gặp ở độ tuổi 20-40, nữ nhiều hơn nam, có tính chất gia đình nhưng khả năng con cái mắc bệnh là rất thấp.
  • Bệnh chưa có thuốc điều trị khỏi, tiến triển gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân nên cần được phát hiện sớm và theo dõi điều trị thường xuyên.
2.  Nguyên nhân
Bệnh gây ra lupus vẫn chưa được biết rõ ràng, tuy nhiên có 3 yếu tố liên quan chính:
  •  Yếu tố môi trường: căng thẳng tâm lý, chấn thương, ánh nắng... đặc biệt ánh nắng măt trời là yếu tố liên quan với đợt cấp lupus
  • Di truyền: một số trường hợp có Lupus gia đình, tuy nhiên đây là di truyền đoạn gen, đo đó không phải cứ bố mẹ bị bệnh thì các con của họ đều bị bệnh
  • Nội tiết tố: nữ giới thường gặp nhiều hơn nam. Các yếu tố nội tiết sinh dục nữ được chứng minh có liên quan với tỷ lệ mắc bệnh
3. Biểu hiện lâm sàng
Biểu hiện toàn thân:
  • Mệt mỏi, sốt, sút cân.
Biểu hiện khớp:
  • Đau các khớp nhỡ và nhỏ ở tay, chân.
  • Có thể sưng khớp, cứng khớp buổi sáng.
Biểu hiện ở da, niêm mạc, tóc:
  • Ban đỏ: thường gặp ở 2 má và mũi (ban cánh bướm). Vị trí tiếp xúc ánh sáng như cổ, ngực, tay,...Tổn thương nặng hơn khi ra nắng.
  • Tổn thương da khác: Viêm mạch ở tay, ban đỏ dạng bán cấp: dạng vòng, dạng vảy nến...
  • Loét miệng: thường gặp và không đau.
  • Rụng tóc: tóc mảnh và thưa, thường mọc trở lại sau khi bệnh đã ổn định.
Biểu hiện ở các cơ quan nội tạng (thường được xác định qua các xét nghiệm):
  • Thận: viêm thận, hội chứng thận hư, suy thận.
  • Máu: Thiếu máu, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu.
  • Tim, phổi: khó thở, đau ngực do viêm màng tim, màng phổi.
  • Thần kinh – tâm thần: trầm cảm, rối loạn tâm thần, đau đầu, động kinh.
4. Điều trị
Bệnh Lupus ban đỏ hệ thống có thể gây tử vong nếu không điều trị thường xuyên do tổn thương các cơ quan nội tạng. 
Bệnh cần theo dõi định kì tại cơ sở chuyên khoa, không tự ý sử dụng thuốc và dừng thuốc.
Các nhóm thuốc được lựa chọn điều  trị
Steroids (prednisolone, medrol…): liều được bác sĩ điều chỉnh theo tình trạng bệnh.
  • Thuốc chống viêm không steroid: chống viêm, giảm đau cơ, khớp.
  • Thuốc chống sốt rét tổng hợp (chloroquin, HCQ): hiệu quả trong cải thiện tổn thương da, mệt mỏi, đau khớp. Khi sử dụng thuốc này cần khám mắt trước và trong quá trình điều trị.
  • Thuốc ức chế miễn dịch (methotrexate, azathioprine, MMF, cyclophosphamide, ciclosporin,...): được chỉ định nếu bị lupus thể nặng
  • Thuốc sinh học (Rituximab, Belimumab): cần có chỉ định và theo dõi chặt bởi các bác sĩ. Chi phí hiện còn đắt
5. Một số diều cần lưu ý
Tránh tiếp xúc ánh sáng mặt trời: mặc áo dài tay, đội mũ rộng vành khi ra nắng. Dùng kem chống nắng thường xuyên.
Tránh các nhiễm khuẩn: do người bị bệnh lupus dễ nhiễm khuẩn hơn người khác.
Có thai: khả năng có thai của bệnh nhân lupus không bị ảnh hưởng, nhưng có thai có thể làm bệnh nặng lên hoặc ảnh hưởng đến thai nhi. Bệnh nhân cần được bác sĩ tư vấn trước khi có thai và theo dõi trong suốt thai kì.
Dùng thuốc: Không tự ý dừng thuốc và dùng các thuốc không rõ nguồn gốc (thuốc nam, thuốc bắc…). Cần tuân thủ điều trị và trao đổi với bác sĩ để dùng thuốc đầy đủ, hợp lý.
Chế độ ăn: Ăn nhạt – hạn chế muối trong khẩu phần ăn, hạn chế đồ ăn ngọt, ăn đầy đủ dinh dưỡng. Không cần kiêng các đồ ăn thịt cá dầu mỡ nếu không có những rối loạn khác kèm theo. 
Bổ sung Canxi và các vi tamin, vi chất khác khi cần thiết. Canxi đặc biệt cần bổ sung cho bệnh nhân Lupus do dùng steroids kéo dài./.

(Ảnh nguồn Internet)
 
 

Tác giả: BAN BIÊN TẬP
Nguồn:Trung tâm da liễu Hải Phòng Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin tức