A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

CÁC XÉT NGHIỆM PHÁT HIỆN VIRUS VIÊM GAN B

 
Viêm gan B là một trong những bệnh mãn tính nguy hiểm, có tốc độ lây lan nhanh chóng, bệnh có thể tiến triển âm thầm dẫn đến xơ gan thậm chí là ung thư gan, tỷ lệ tử vong do viêm gan B là khoảng  hơn 600.000 người mỗi năm trên toàn thế giới.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, hiện nay có đến hơn 300 triệu người mắc Viêm gan B trên toàn thế giới, con số này không ngừng tăng lên từ 3 đến 4 triệu người mỗi năm. Vì vậy cần phải có biện pháp ngăn chặn kịp thời tránh để bệnh diễn biến nặng gây hậu quả nghiêm trọng.
1. Viêm gan B là gì?
Viêm gan B do virus HBV (Hepatitis B Virus) gây ra. Sau khi vào cơ thể, virus có thời gian ủ bệnh từ 3 đến 6 tháng tùy thể trạng từng người. Sau đó bắt đầu hoạt động và gây Viêm gan B cấp tính. Nếu sau 6 tháng, cơ thể người bệnh không thể tự miễn dịch được với virus, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn mãn tính và nhiễm vi rút HBV suốt đời.
2. Viêm gan B lây truyền qua những con đường nào?
- Thứ nhất: Truyền từ mẹ sang con
Khi thai phụ bị nhiễm virus Viêm gan B thì tỉ lệ lây nhiễm Viêm gan B cho thai nhi là rất cao. Trong 3 tháng đầu tỉ lệ lây nhiễm là 10% và 3 tháng sau là 60-70%. Nguy cơ truyền bệnh cho thai nhi lên đến 90% nếu không có biện pháp bảo vệ kịp thời ngay sau sinh.
- Thứ hai: Truyền qua đường tình dục:
Vi rút Viêm gan B tồn tại trong tinh dịch và dịch âm đạo. Vì vậy, quan hệ tình dục không an toàn sẽ có nguy cơ lây nhiễm rất cao. 
- Thứ ba: Truyền qua đường máu:
Viêm gan B có thể lây truyền trong trường hợp truyền máu, tiêm chích… không an toàn. Ngoài ra, việc dùng chung bàn chải đánh răng, dao cạo râu,… cũng sẽ có nguy cơ lây truyền Viêm gan B rất cao.
 

 
Viêm gan B có thể lây truyền qua đường máu
 
3. Các xét nghiệm chẩn đoán viêm gan B
HBV thuộc họ Hepadnaviridae, có cấu trúc DNA. Dựa vào trình tự các nucleotide, HBV được chia thành 10 kiểu gen khác nhau ký hiệu từ A đến J. HBV có 3 loại kháng nguyên HBsAg, HBeAg và HBcAg, tương ứng với 3 loại kháng nguyên trên là 3 loại kháng thể anti-HBs, anti-HBc và anti-HBe. Sự hiện diện của các kháng nguyên, kháng thể này quan trọng trong việc xác định bệnh, thể bệnh cũng như diễn biến bệnh.
Viêm gan B giai đoạn đầu thường không có những triệu chứng rõ rệt. Đặc biệt là viêm gan B thể ngủ yên thì không có biểu hiện gì bất thường. Chỉ khi làm các xét nghiệm thì mới có thể phát hiện ra.
Đầu tiên, để xem xét sự có mặt của vi rút viêm gan B cần xét nghiệm HbsAg. Đây là một xét nghiệm kháng nguyên vỏ của vi rút. Nếu kết quả cho HbsAg âm tính nghĩa là không có vi rút trong cơ thể. Ngược lại, nếu kết quả cho HbsAg dương tính, thì cần phải làm thêm một số xét nghiệm khác nữa để xác định nồng độ vi rút, mức độ thương tổn của gan. Ví dụ như:
Xét nghiệm HBeAg: HBeAg là một đoạn kháng nguyên vỏ capsid của vi rút Viêm gan B. Sự xuất hiện HBeAg chứng tỏ vi rút đang nhân lên và có khả năng lây lan mạnh.
Xét nghiệm Anti - HBc: Anti - HBc là kháng thể kháng lõi virus viêm gan B. 
Xét nghiệm Anti - HBc IgM: Anti - HBc IgM là kháng thể kháng lõi virus viêm gan B type IgM. Kháng thể này xuất hiện trong giai đoạn viêm gan B cấp hoặc đợt cấp của viêm gan B mạn tính
Xét nghiệm HBV – AND (tải lượng): Kiểm tra tình trạng nhân lên của virus trong cơ thể người bệnh. Chỉ số này càng cao thì chứng tỏ mức độ nhân lên của virus càng mạnh, tính truyền nhiễm cao.
HBcrAg: Kháng nguyên liên quan lõi của virus viêm gan B. Đây là xét nghiệm giúp phân biệt rõ nhất các giai đoạn viêm gan B mạn tính. Ngoài ra, xét nghiệm này còn có ý nghĩa trong việc giúp tiên lượng nguy cơ ung thư gan, tiên lượng chính xác nguy cơ bùng phát viêm gan B. HBcrAg còn giúp tiên lượng khả năng chuyển đổi huyết thanh và thể hiện sự ưu việt hơn khi theo dõi bằng HBeAg và Anti - HBe.
Siêu âm gan: Quan sát sự thay đổi của gan, mật, tụy, điều này rất có lợi trong việc điều trị. Đặc biệt cần siêu âm để phát hiện sớm xơ gan.
5. Phòng bệnh Viêm gan B
Phòng chủ động:
Tiêm vắc xin viêm gan virus B cho tất cả trẻ em trong vòng 24h sau sinh và các mũi tiếp theo lúc 2, 3 và 4 tháng tuổi theo chương trình tiêm chủng mở rộng.
Tiêm vắc xin viêm gan B cho các đối tượng chưa bị nhiễm HBV. Cần xét nghiệm HBsAg và anti-HBs trước khi tiêm phòng vắc xin. Để có được miễn dịch có hiệu quả tốt, cần tiêm 3 mũi (mũi thứ 2 sau tiêm mũi đầu 1 tháng, mũi thứ 3 sau 6 tháng)
 

 
Tiêm vắc xin viêm gan virus B cho nhân viên y tế.
 
Phòng lây truyền từ mẹ sang con:
Nếu mẹ mang thai có HBsAg (+): Tiêm vắc xin viêm gan virus B liều sau sinh cho trẻ theo chương trình tiêm chủng mở rộng và phối hợp với tiêm kháng thể kháng HBV cho trẻ. Nên tiêm cùng thời điểm nhưng ở hai vị trí khác nhau. Sau đó tiêm đầy đủ các liều vắc xin viêm gan virus B cho trẻ theo quy định của chương trình tiêm chủng mở rộng.
Nếu mẹ mang thai có HBV-DNA > 106 copies/ml (200.000 IU/mL): Dùng thuốc kháng virus (lamivudine hoặc tenofovir) từ 3 tháng cuối của thai kỳ. Xét nghiệm lại HBV DNA sau sinh 3 tháng để quyết định ngừng thuốc hoặc tiếp tục điều trị nếu mẹ đủ tiêu chuẩn điều trị. Theo dõi sát người mẹ để phát hiện viêm gan bùng phát.
Phòng không đặc hiệu:
Sàng lọc máu và chế phẩm máu.
Không dùng chung kim tiêm và các dụng cụ xuyên chích qua da khác.
Tình dục an toàn.
Tránh tiếp xúc với máu và các dịch tiết của bệnh nhân nhiễm HBV.
Thực hiện phòng ngừa chuẩn giống các bệnh lây truyền qua đường máu.

Tác giả: BAN BIÊN TẬP
Nguồn:Trung tâm da liễu Hải Phòng Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin tức