A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

KỶ NIỆM NGÀY QUỐC TẾ ĐIỀU DƯỠNG 12/5

Ngày Quốc tế Điều dưỡng hằng năm được các nước trên thế giới tổ chức vào ngày 12 tháng 5, ngày sinh của bà Florence Nightingale, nhằm tưởng nhớ những cống hiến to lớn của bà đối với việc hình thành và phát triển của ngành điều dưỡng hiện đại cũng như sự ghi nhận, tôn vinh của xã hội về vai trò của của người điều dưỡng trong chăm sóc con người đặc biệt là chăm sóc người bệnh.
Ngày Quốc tế Điều dưỡng – Khởi nguồn
 

Florence Nightingale (12/5/1820 – 13/8/1910)
 

Florence Nightingale với cây đèn dầu bên giường bệnh
 
Florence Nightingale (1820 – 1910) sinh ra trong một gia đình giàu có ở Anh. Từ nhỏ, bà đã thể hiện thiện tính và hoài bão được giúp đỡ người nghèo. Năm 1847, bà vào học và làm việc tại bệnh viện Kaiserswerth (Đức) dù gặp nhiều trở ngại về quan điểm xã hội và gia đình đối với nữ giới khi tham gia học về y tế và làm việc tại bệnh viện. Năm 1853, bà học thêm ở Paris (Pháp) sau đó trở lại London và điều hành một bệnh viện. Năm 30 tuổi, bà đã trở thành người điều hành và tổ chức chăm sóc sức khỏe cho những người nghèo khổ tại London, sắp xếp hợp lý và đưa ra các tiêu chuẩn cho công tác điều dưỡng. Trong vòng 2 năm, bà đã trở thành một trong những nhà lãnh đạo uy tín tại các bệnh viện nước Anh.
Những năm 1854-1855, chiến tranh Crimée nổ ra, bà được Chính phủ Anh điều sang Thổ Nhĩ Kỳ với cương vị chỉ huy đội điều dưỡng và tổ chức chăm sóc thương bệnh binh của quân đội Hoàng gia Anh tại mặt trận cùng với 38 phụ nữ Anh khác. Lúc này, các bệnh viện tiền phương luôn trong tình trạng bẩn thỉu. Bà đã đưa ra lý thuyết về khoa học vệ sinh trong các cơ sở y tế và yêu cầu phải dọn dẹp sạch sẽ để đảm bảo công tác vệ sinh, chống nhiễm trùng. Vì vậy, bà là người đầu tiên đặt nền tảng về vệ sinh trong các cơ sở y tế và nhờ đó đã giúp làm giảm tỷ lệ chết của thương binh do nhiễm trùng từ 42% xuống còn 2%. Trong đêm, Forence thường cầm đèn đi chăm sóc cho từng thương bệnh binh.Hình ảnh này đã để lại trong trí nhớ và tình cảm của những người thương binh hồi đó, vì thế, các thương binh đã đặt cho bà danh hiệu “Nữ công tước với cây đèn” hay “Thiên thần trong bệnh viện”. Sau khi trở lại nước Anh, bệnh tật mắc phải trong chiến tranh Crimée đã làm cho Florence Nightingale mất khả năng làm việc trực tiếp tại bệnh viện. Bà được dân chúng và những người lính Anh tặng món quà 50.000 bảng Anh để chăm sóc sức khoẻ. Tuy nhiên, bà đã dùng số tiền này sử dụng trong vào việc thành lập Trường Điều dưỡng Nightingale tại Bệnh viện St. Thomas, London vào năm 1860 (nay là một phần của trường King’s College London) cùng với chương trình đào tạo 1 năm. Sự kiện này đã đặt nền tảng cho hệ thống đào tạo điều dưỡng không chỉ ở nước Anh mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Kể cả khi sức khỏe suy yếu đến không còn đi lại được, Nightingale vẫn được Chính phủ Mỹ luôn xin ý kiến của bà về việc tổ chức các bệnh viện dã chiến để chăm sóc thương bệnh binh tại chiến trường trong cuộc nội chiến Mỹ. Florence Nightingale mất ngày 13/8/1910. Nghi thức thắp đèn dầu và đọc lời thể của Florence Nightingale đã trở thành nghi thức chính thức của sinh viên điều dưỡng trong lễ tốt nghiệp của nhiều trường điều dưỡng trên thế giới.
Ngày 12/5/1965 Hội đồng Quốc tế Điều dưỡng đã tổ chức họp và quyết định lấy ngày 12 tháng 5 hàng năm, ngày sinh của Florence Nightingale làm Ngày Quốc tế Điều dưỡng để tôn vinh, tưởng nhớ công lao của Bà và khẳng định quyết tâm tiếp tục sự nghiệp mà Bà đã xây dựng và Florence Nightingale đã trở thành người mẹ tinh thần của ngành điều dưỡng thế giới.
Điều dưỡng Trung tâm Da liễu – Hành trình vẻ vang
Trung tâm Da liễu hiện nay được phát triển từ Trạm Da liễu Hải Phòng thành lập từ 1963, tọa lạc tại số 140 đường Trần Phú, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng. Ngày từ khi thành lập, Trạm Da liễu đã thực hiện chỉ đạo mọi hoạt động về chuyên khoa Da liễu trên địa bàn toàn thành phố. Đã tiến hành khám chữa bệnh phong, bệnh da và các bệnh lây truyền qua đường tình dục tại trụ sở của Trạm là 140 đường Trần Phú và tại cộng đồng. Trong tiến trình đó đặc biệt là đã xây dựng được mạng lưới cán bộ chống phong, da liễu tuyến quận/huyện, xã/phường tiến hành khám da toàn dân để phát hiện bệnh nhân phong, mới áp dụng điều trị bằng đơn hóa trị liệu và đa hóa trị liệu tại nhà.Do không có bệnh viện Da liễu và không có trại phong nên những bệnh nhân nặng phải chuyển đến các trại phong ở các tỉnh bạn như Thái Bình, nghệ An, Bắc Ninh.
Đến năm 1996, Mặc dù có rất nhiều khó khăn nhưng Trạm Da liễu Hải Phòng dưới sự chỉ đạo Sở Y tế, của UBND thành phố và của Bệnh viện Da liễu Trung ương đã thực hiện thành công Chương trình Thanh toán bệnh phong từng vùng, và Hải Phòng đã trở thành đơn vị về đích thứ nhì của cả nước sớm hoàn thành Chương trình loại trừ bệnh phong. Cũng năm 1996, UBND thành phố đã ra Quyết định đổi tên Trạm Da liễu thành Trung tâm Da liễu Hải Phòng. Từ đó đến nay, Trung tâm Da liễu đã phát triển nhanh chóng về chất lượng chuyên môn, áp dụng triển khai những tiến bộ khoa học, công nghệ cao trong khám chữa bệnh da liễu, xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo cán bộ cho tuyến dưới. Luôn luôn chú trọng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chỉ đạo tuyến, đã được Bệnh Viện Da liễu Trung ương đánh giá là đơn vị có đội ngũ cán bộ chuyên khoa mạnh, là địa chỉ tin cậy về công tác khám chữa bệnh da liễu không những đối với nhân dân thành phố Hải Phòng mà còn đối với nhân dân các tỉnh lân cận.
Hiện nay, CBNV Trung tâm Da liễu Hải Phòng đang học tập và làm việc hăng say để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân, xứng tầm với chuyên ngành Da liễu ở Hải Phòng, một thành phố lớn trực thuộc Trung ương – đô thị loại 1 trung tâm cấp quốc gia và là một trung tâm kinh tế, văn hoá, y tế, giáo dục, khoa học thương mại và công nghệ của Vùng duyên hải Bắc Bộ và cả nước theo Quyết định 1448/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ ban hành ngày 16/9/2009.
Trong thời kỳ đổi mới, Trung tâm Da liễu thật sự phát triển lên tầm cao mới. Ðội ngũ điều dưỡng viên, kỹ thuật viên có trình độ cao và giàu kinh nghiệm thực tiễn, trong đó 100% số điều dưỡng viên có trình độ cao đẳng và đại học, đủ khả năng giải quyết các vấn đề kỹ thuật phức tạp. Có thể khẳng định, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đội ngũ điều dưỡng nói riêng và tập thể cán bộ nhân viên Trung tâm Da liễu nói chung luôn tin tưởng tuyệt đối sự lãnh đạo của Ðảng, thấm nhuần sâu sắc lời Bác Hồ dạy, thi đua hoàn thành xuất sắc công tác bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.
10 dấu ấn nổi bật của công tác điều dưỡng tại Trung tâm Da liễu
Thứ nhất: Trung tâm đã chăm lo xây dựng, phát triển lực lượng điều dưỡng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng đủ năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Thứ hai: Đội ngũ điều dưỡng hàng năm đã thực hiện chăm sóc một số lượng lớn bệnh nhân.
Thứ ba: Công tác điều dưỡng đã thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật điều dưỡng của Bộ Y tế, đạt hiệu quả cao trong chăm sóc phục vụ bệnh nhân.
Thứ tư: Đội ngũ điều dưỡng đã tham gia tích cực và có hiệu quả vào công tác quản lý chất lượng và đảm bảo an toàn người bệnh.
Thứ năm: Đội ngũ điều dưỡng thực hiện tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bao gồm xây dựng các quy trình KSNK.
Thứ sáu: Đội ngũ điều dưỡng đã tận tâm, tận lực phục vụ chăm sóc bệnh nhân, đổi mới phong cách và thái độ phục vụ, đạt chuẩn mực trong giao tiếp ứng xử, tích cực xây dựng nền nếp văn hóa bệnh viện.
Thứ bảy: Công tác đào tạo, huấn luyện điều dưỡng được tổ chức thường xuyên, công tác nghiên cứu khoa học điều dưỡng phục vụ thiết thực các hoạt động chuyên môn.
Thứ tám: Lực lượng điều dưỡng đã tích cực tham gia vào tổ công tác xã hội, sẵn sàng tăng cường khi được phân công, phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Thứ chín: Điều dưỡng trưởng phát huy vai trò đầu tàu đã có đóng góp tích cực cho công tác điều dưỡng của Trung tâm.
Thứ mười: Điều dưỡng trưởng thực hiện tốt công tác quản lý và tham mưu cho Thủ trưởng phát triển mọi mặt công tác điều dưỡng.
Nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Điều dưỡng 12/5, đồng chí Nguyễn Thị Phương Loan Quyền Giám đốc – Bí thư chi bộ Trung tâm Da liễu xin gửi lời chúc đến tất cả các Đ/c điều dưỡng, chúc các đồng chí nhiều sức khỏe, hạnh phúc, ngày càng yêu nghề và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao./.
Một số hoạt động của các Đ/c Điều dưỡng Trung tâm Da liễu
 

 

 
Các cán bộ điều dưỡng tham gia tiêm vaxcin phòng Covid – 19 cho nhân dân phường Cầu Đất
 

 

 
Các cán bộ điều dưỡng tham gia tiêm phòng cúm và hiến máu nhân đạo
 
 

Tác giả: BAN BIÊN TẬP
Nguồn:Trung tâm da liễu Hải Phòng Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 64 trong 13 đánh giá
Click để đánh giá bài viết