A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

ĐIỀU TRỊ VẢY NẾN BẰNG THUỐC SINH HỌC

Tổng quan về bệnh vảy nến
Bệnh vảy nến là bệnh da viêm không lây nhiễm, do rối loạn miễn dịch điều hòa các triệu chứng viêm. Bệnh có các triệu chứng gồm: mảng da đỏ, có vảy, ngứa. Bệnh thường có các giai đoạn bùng phát nghiêm trọng, sau đó giảm nhẹ hơn, các giai đoạn cứ lặp đi lặp lại và ngày càng nặng hơn, nếu không điều trị sẽ có biến chứng về khớp (viêm khớp vảy nến).
Các phương pháp điều trị khác nhau (thuốc bôi, thuốc cổ điển, thuốc sinh học) giúp làm giảm các triệu chứng, nhưng không có cách chữa khỏi bệnh vảy nến (phải điều trị suốt đời).
Ngoài ra, vảy nến lâu ngày cũng ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể như: khớp hoặc móng tay, móng chân.
1. Nguyên nhân
Bệnh vảy nến là do rối loạn quá trình điều hòa miễn dịch các phản ứng viêm. Một số tác nhân có thể tác động và làm hoạt hóa quá trình rối loạn này như:
Tinh thần căng thẳng.
Nhiễm trùng.
Một vết thương ngoài da như: vết cắt, vết trầy xước hoặc phẫu thuật.
Ảnh hưởng từ các loại thuốc bao gồm: lithium, thuốc chẹn beta.
Thay đổi nhiệt độ cơ thể bởi tác động của thời tiết.
2. Triệu chứng
Ngoài các mảng da hoặc phát ban, người bệnh có thể có các triệu chứng bao gồm: ngứa da, da bỏng vảy nhiều, da dày sừng, khô ráp, đau, móng tay bị rỗ, nứt hoặc vụn, đau khớp; trường hợp nặng có thể gây đỏ da toàn thân tróc vảy.
Nếu người bệnh gãi mảng bám sẽ làm rách da, dẫn đến nhiễm trùng. Nếu có triệu chứng nhiễm trùng như: đau dữ dội, sưng, sốt… người bệnh cần đến bác sĩ chuyên khoa Da liễu khám để cải thiện tình trạng sức khỏe.
Điều trị vảy nến bằng thuốc sinh học là gì?
Điều trị vảy nến bằng thuốc sinh học là dùng thuốc giúp kiểm soát các triệu chứng và đưa người bệnh về trạng thái bình thường, nâng cao chất lượng cuộc sống.
 
Các thuốc đặc trị vảy nến được chia làm 2 loại: thuốc cổ điển và thuốc sinh học.
Thuốc cổ điển là các thuốc ức chế miễn dịch, thuốc có tác dụng ức chế các hoạt động viêm, các thuốc này có nhiều tác dụng phụ vì ức chế toàn bộ cơ thể. Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, thuốc sinh học đã ra đời cách đây 20 năm, thuốc có tác dụng chọn lọc trên từng các cytokin gây viêm nên còn được gọi là kháng thể đơn dòng. Do tác dụng chọn lọc nên thuốc sinh học ít tác dụng phụ hơn các thuốc cổ điển. Thuốc sinh học có 2 dạng: thuốc tiêm (có nhiều loại thuốc khác nhau) và thuốc uống (chỉ có một vài loại).
Các chất sinh học khác nhau hoạt động theo những cách khác nhau nhưng tất cả đều nhắm đến các cytokine (loại protein mà hệ thống miễn dịch tạo ra).
Viêm là một phản ứng của hệ miễn dịch khi thấy có tác nhân lạ (nhiễm vi trùng, vi rút, ký sinh trùng…) xâm nhập vào cơ thể trong đó có vai trò của các cytokin. Các phản ứng viêm sẽ giúp cơ thể chống lại các tác nhân này nhưng khi phản ứng viêm diễn ra quá mạnh (giống như cơn bão cytokin), các cytokin sẽ tấn công cơ thể, phản ứng viêm ồ ạt sẽ gây rối loạn nội mô, làm tổn hại các cơ quan trong có thể.
Thuốc sinh học có tác dụng làm giảm hoạt động miễn dịch quá mức của các cytokin trong phản ứng viêm của bệnh vảy nến. Thuốc sinh học có thể nhắm mục tiêu vào các tế bào lympho T (hay còn gọi là tế bào T, loại bạch cầu thuộc dòng tế bào lympho, có vai trò quan trọng trong hệ thống miễn dịch của cơ thể), nhắm vào các cytokin hoặc các chất trong phản ứng viêm (ức chế hoạt động của các cytokin, ức chế TNF alpha, ức chế men phosphodiesterase…). Tùy vào diễn tiến bệnh mà các bác sĩ sẽ sử dụng các loại thuốc điều trị sinh học khác nhau để điều trị bệnh vảy nến ở mức độ trung bình đến nặng.
Trị vảy nến bằng thuốc sinh học có hiệu quả không?
Có. Bệnh vảy nến là bệnh mạn tính nên thuốc sinh học tuy không chữa khỏi hoàn toàn bệnh vảy nến nhưng có hiệu quả rõ rệt giúp kiểm soát được bệnh: làm giảm triệu chứng bệnh sau vài tuần điều trị. Nhiều nghiên cứu cho thấy: thuốc sinh học giúp kiểm soát các triệu chứng của bệnh tốt, nhanh và ít tác dụng phụ hơn so với thuốc cổ điển.
Một số loại thuốc sinh học hoạt động tốt hơn khi dùng lâu hơn hoặc kết hợp với một phương pháp điều trị bệnh vảy nến cổ điển khác. Một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng thuốc sinh học bao gồm: phản ứng da khi tiêm, tiêu chảy, đau đầu.
Ưu và nhược điểm của thuốc sinh học chữa vảy nến
Thuốc sinh học chữa vảy nến được tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm dưới da hoặc được uống vào cơ thể có một số ưu và nhược điểm bao gồm:
1. Ưu điểm
Làm dịu các triệu chứng khó chịu của bệnh vảy nến, đặc biệt cho những trường hợp bệnh ở mức độ trung bình đến nặng và không thể đáp ứng với các phương pháp điều trị khác.
Có nhiều loại thuốc khác nhau.
Có thuốc dùng mỗi ngày (thuốc uống) hoặc dùng mỗi tháng, mỗi 3 tháng (thuốc chích).
Cải thiện được các bệnh đồng mắc như: đái tháo đường, mỡ máu.
Cải thiện sức khỏe da.
2. Nhược điểm
Người bệnh e ngại thuốc sinh học được tiêm tĩnh mạch làm ảnh hưởng hệ miễn dịch.
Dễ gây ra tác dụng phụ.
Thuốc có nguy cơ gây nguy hiểm khi người bệnh vô tình dùng thuốc khác có gây tương tác.
Thuốc có thể ảnh hưởng nếu dùng cho người bệnh xuất hiện tình trạng nhiễm trùng nặng như: viêm gan siêu vi, lao phổi….
Người bệnh tăng huyết áp dễ ảnh hưởng công dụng của thuốc.
Thuốc sinh học không thể khống chế được bệnh thể nặng hoặc lờn thuốc khiến bệnh vẫn tiếp tục bùng phát.
Chi phí cao (kinh tế y tế cao khi điều trị bệnh).
Chỉ định và chống chỉ định khi trị vảy nến bằng thuốc sinh học
Khi điều trị vảy nến bằng thuốc sinh học cần lưu ý: (3)
1. Chỉ định
Thuốc sinh học thích hợp cho người bệnh vảy nến từ trung bình đến nặng, chỉ số PASI>10. Trong một số trường hợp, bệnh vảy nến ảnh hưởng đến hơn 10% diện tích bề mặt cơ thể hoặc bệnh vảy nến khớp nặng.
2. Chống chỉ định
Thuốc sinh học ức chế phản ứng viêm nên việc điều trị cho người bệnh vảy nến sẽ làm cho cơ thể không chống lại các tác nhân gây viêm nhiễm. Do đó, chống chỉ định dùng thuốc sinh học điều trị vảy nến cho người bệnh viêm gan B, HIV, bệnh lao… vì cơ thể của bệnh nhân khi dùng thuốc sinh học sẽ không có phản ứng viêm để bảo vệ cơ thể, không chống lại được các tác nhân này, nguy hiểm đến sinh mạng.
Với người chưa tiêm vắc-xin ngừa viêm gan B sẽ được khuyến cáo tiêm đủ liều trước khi dùng kháng thể sinh học ngừa vảy nến.
Với người có bệnh lao phổi, cần điều trị lao ổn định rồi mới được điều trị thuốc sinh học.
Người chưa tiêm vắc-xin COVID-19 cần được tiêm ngừa trước khi điều trị thuốc sinh học.
Tác dụng phụ có thể gặp khi điều trị vảy nến bằng thuốc sinh học
Mỗi loại thuốc sinh học hoặc tùy vào cơ địa của người bệnh mà sẽ có tác dụng phụ khác nhau. Các tác dụng phụ thường gặp khi điều trị vảy nến bao gồm:
Nhiễm trùng đường hô hấp trên.
Phản ứng da nơi tiêm chất sinh học, dị ứng thuốc có thể gây sốc phản vệ.
Các triệu chứng giống như cúm.
Nhiễm trùng đường tiết niệu.
Đau đầu.
Các chất sinh học hoạt động bằng cách làm dịu một phần hệ thống miễn dịch nên bất kỳ ai dùng chất sinh học đều có nguy cơ bị nhiễm trùng nghiêm trọng. Đặc biệt, các đối tượng có bệnh nền sẽ có nguy cơ cao bị nhiễm trùng như: người bệnh tiểu đường, hút thuốc hoặc có tiền sử nhiễm trùng, người lớn tuổi.
Chăm sóc và hồi phục sau điều trị
Một số cách chăm sóc, hồi phục sau khi điều trị người bệnh cần lưu ý như:
Khi tắm rửa nhẹ nhàng, không chà xát da dưới vòi hoa sen hoặc bồn tắm. Dùng nước ấm, xà phòng loại dịu nhẹ.
Thoa kem dưỡng ẩm hàng ngày để giữ ẩm cho da.
Tránh gãi, cắt móng tay để không làm tổn thương da.
Chọn dùng vải mềm không gây ngứa da.
Không hút thuốc, bảo vệ da khi đi dưới ánh nắng mặt trời.
Có chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế uống rượu và duy trì cân nặng cân đối./.
 
Hình ảnh Vảy nến thể mảng và vảy nến thể khớp (nguồn Internet)

Tác giả: BAN BIÊN TẬP
Nguồn:Trung tâm da liễu Hải Phòng Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin tức